Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Người khuyết tật tăng sự tự chủ và tham gia nhờ được hướng dẫn về sống độc lập

  • Thực hiện: ACDC
  • 31/08/2021
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 2237

“Hắn bị rứa thì mần răng làm cái chi được, thôi thì mình làm giúp cho nhanh, sau này tui mà có chết đi thì chỉ mong anh, em hắn rồi hàng xóm láng giềng họ thương cho hắn tô cơm, tô cháo để hắn ăn uống qua ngày.” Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nhỏ, 87 tuổi, mẹ của anh Chức, người khuyết tật nặng ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Bà Nhỏ luôn trăn trở, lo lắng về người con trai bị khuyết tật của mình rằng một ngày nào đó bà mất đi không biết anh sẽ sống như thế nào, ai sẽ chăm sóc cho anh. Con trai bà, anh Phan Văn Chức, 50 tuổi, khuyết tật vận động: liệt 2 chân, tay bên phải bị teo. Anh phải di chuyển bằng xe lăn và mọi sinh hoạt hàng ngày đều phụ thuộc vào cánh tay trái còn lại. Chính vì sự bất tiện này nên mẹ anh luôn làm tất cả mọi việc cho anh, một phần vì thương anh, một phần bà nghĩ anh sẽ không thể làm được gì với tình trạng khuyết tật của mình.

Anh Chức được hướng dẫn viên tư vấn và nhiệt tình hỗ trợ về phục hồi chức năng

Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” do USAID tài trợ, nhóm dự án của ACDC đã hướng dẫn và hỗ trợ để giúp người khuyết tật có cuộc sống độc lập hơn. Khi chúng tôi ngỏ ý hãy để anh Chức thử tự làm một số việc như nấu cơm, rửa rau, rửa bát… bà Nhỏ đã gạt phăng lời đề nghị kèm theo ánh mắt buồn bã: “Thôi đi cô, cô nhìn đi nó ăn còn không xong nữa mà làm được gì.” Hiểu được những e ngại và hoài nghi của bà Nhỏ, nhóm tư vấn thuyết phục bà bằng “người thật, việc thật”. Những người khuyết tật giống như anh Chức trong nhóm tư vấn đã trực tiếp thực hiện các công việc mà anh Chức có thể làm được như rửa chén bát, nấu cơm… và sau đó anh Chức bắt tay vào làm tương tự cho bà xem. Anh Chức đã làm được trong sự sửng sốt của mẹ anh, dù có chút lúng túng và mất nhiều thời gian trong lần đầu tiên thực hiện. Nhóm tư vấn cũng đã gợi ý cho gia đình anh cách bố trí và cải tạo lại các đồ vật, thiết bị trong nhà để thuận tiện cho việc di chuyển và sinh hoạt của người sử dụng xe lăn như anh. Đặc biệt, các kỹ thuật viên phục hồi chức năng cũng đã hướng dẫn anh các động tác, bài tập phục hồi chức năng đơn giản tại nhà để anh luyện tập hàng ngày. Anh chia sẻ: “Cho tiền cho bạc ăn rồi sẽ hết, nay các cô đến đây cho tôi các kiến thức này, tôi biết ơn vô cùng. Tôi sẽ tập luyện và làm theo hướng dẫn của các cô để sau này có thể giúp mẹ những công việc giản đơn mà từ trước đến nay mẹ đã một mình lo toan, gánh vác.”

Một tháng sau khi cán bộ dự án quay lại thăm gia đình anh Chức để tìm hiểu, đánh giá những tiến triển trong thời gian qua mà dự án đã can thiệp và để có những hỗ trợ, tác động cần thiết khác; nhiều thay đổi đáng mừng đã diễn ra. Vị trí bàn ghế và các vật dụng trong nhà đã được sắp xếp gọn gàng và thuận tiện hơn. Mẹ anh vui mừng chia sẻ rằng những sự thay đổi này đã giúp căn nhà trở nên gọn gàng ngăn nắp hơn và đặc biệt giúp cho anh Chức di chuyển và làm việc bằng xe lăn hết sức dễ dàng. Nếu như trước đây phần lớn thời gian anh Chức chỉ nằm trên giường thì nay anh đã sử dụng xe lăn thường xuyên hơn để đi lại, tự phục vụ sinh hoạt cá nhân và phụ mẹ các công việc trong nhà.

Ngoài ra, mỗi sáng anh Chức đều dậy tập luyện các bài tập vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu đã được hướng dẫn một cách rất đều đặn. Việc duy trì tập luyện hàng ngày đã giúp anh cải thiện sức khỏe tốt hơn.

Anh Chức cảm thấy rất vui khi đã được thành thục một số kỹ năng trong sinh hoạt hàng ngày để sau này độc lập tốt hơn

Hiện tại, anh Chức đã thành thục các kỹ năng trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày như các công việc vệ sinh cá nhân, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu cơm, rửa chén… Anh cho biết lúc mới làm thấy khó và mất nhiều thời gian nhưng rồi làm miết giờ không thấy khó khăn nữa. Bà Nhỏ nói thêm: “Đợt rồi tôi bị bệnh mấy ngày liền, cũng may nó đã tự đi chợ, nấu ăn và chăm sóc tôi chứ như trước đây thì hai mẹ con không biết phải làm sao”.

Không chỉ có anh Chức, anh Mạnh, một trường hợp khác mà ACDC hỗ trợ, cũng là người có sự thay đổi đáng mừng. Anh Mạnh năm nay 39 tuổi, bị liệt 2 chi dưới sau khi trải qua tai nạn giao thông nghiêm trọng. Từ đó đến nay anh di chuyển hoàn toàn bằng chiếc xe lăn, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều phụ thuộc vào bố mẹ. Vì cho rằng con mình thiệt thòi, bố mẹ anh luôn bao bọc và làm thay anh mọi việc trong nhà từ giặt quần áo, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa…Vì vậy gần 8 năm nay, anh gần như không làm gì mà chỉ tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho chính mình và đến các quán cà phê mỗi ngày để giết thời gian, không có kế hoạch cụ thể gì cho tương lai.

Dự án đã tư vấn cho anh Mạnh và gia đình về các hoạt động luyện tập trị liệu hàng ngày để tăng lực tay, tư vấn các dụng cụ trợ giúp như thanh song song để tập đi, cách cải tạo, mở rộng cửa tại lối vào giường ngủ, lắp đặt thêm bệ ngồi tắm và tay vịn trong nhà vệ sinh để thuận tiện và an toàn cho anh. Đồng thời nhóm tư vấn cũng đã vận động gia đình tạo cơ hội để anh tự làm các công việc sinh hoạt hàng ngày giảm bớt sự phụ thuộc để trở nên độc lập hơn và cũng là một cách để rèn luyện sức khỏe, tăng cường chức năng sinh hoạt hàng ngày. Nhóm tư vấn cũng đã gợi ý để gia đình và bản thân anh Mạnh sau này sẽ cùng thảo luận để tìm kiếm một công việc phù hợp với anh.

Điều bất ngờ là 3 tháng sau, khi cán bộ dự án quay trở lại thăm nhà anh Mạnh, anh hào hứng chia sẻ rằng anh đã bắt đầu có một công việc mới. Đó chính là đi gom phế liệu để bán lại cho người ta chứ không còn ngồi quán cà phê để hút thuốc, đánh cờ như trước nữa. Hơn nữa, thời gian này anh đã cố gắng, kiên trì tập luyện tất cả những bài tập phục hồi chức năng mà kĩ thuật viên đã hướng dẫn trước đây để tăng cường sức khỏe và khả năng tự chăm sóc, sinh hoạt và làm việc hàng ngày. Anh cảm ơn dự án vì đã đem lại cho anh động lực, thúc đẩy anh thay đổi và lạc quan vào tương lai hơn.

Anh Chức, anh Mạnh chỉ là hai trong số rất nhiều người khuyết tật ở Quảng Nam được hưởng lợi từ các hoạt động nhằm tăng cường kỹ năng sống độc lập cho người khuyết tật của dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế” do ACDC thực hiện dưới sự tài trợ của USAID. Bằng việc nâng cao nhận thức của chính người khuyết tật và gia đình về tầm quan trọng của sống độc lập và các kỹ năng sống độc lập (thông qua sự tư vấn đồng cảnh của chính những người khuyết tật); cung cấp các gợi ý nhằm bố trí, cải tạo lại nhà ở cho tiếp cận và phù hợp hơn với người khuyết tật; hướng dẫn các bài tập phục hồi chức năng tại nhà…, sự tự chủ và sự tham gia của người khuyết tật đã tăng lên đáng kể trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và các hoạt động xã hội.
 


0 bình luận

Bình luận thêm