Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chuyện về cô gái "Hạt tiêu"

  • Thực hiện: ACDC
  • 28/10/2021
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1913

“Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về sau bạn”, cô gái “hạt tiêu” Lê Thị Sau đã làm được điều đó. Cô gái ấy đã vượt qua những nghịch cảnh của bản thân để nắm lấy cơ hội, bước ra khỏi “bóng tối” và tìm kiếm “mặt trời” của chính mình.

Lê Thị Sau sinh ra trong một đình đông con gồm 7 anh chị em, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Do bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, đến năm 8 tuổi dạng khuyết tật được thể hiện rõ với phần lưng bị gù, thể trạng kém phát triển và sức khỏe không ổn định. Bố mất sớm, mẹ lớn tuổi, nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu từ trồng lúa và hoa màu. Bản thân là người khuyết tật nên cô thường xuyên bị phân biệt đối xử và kỳ thị bởi những người xung quanh. Cô luôn có suy nghĩ “bản thân là gánh nặng của gia đình và xã hội”, từ đó dẫn đến trầm cảm, tâm lý tự ti, ngại giao tiếp với xã hội. Dù ham học, song vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô đành bỏ lỡ con đường học hành khi đang là sinh viên năm thứ 2 trường Trung cấp Công nghệ thông tin.

Trải qua nhiều biến cố, Sau trở nên ít nói hơn và ngại giao tiếp với xã hội. “Không có ngôn từ nào diễn tả được thời điểm đó, tôi luôn chắc chắn rằng, chính sự khiếm khuyết của mình mà xã hội kỳ thị, phân biệt đối xử. Ngay cả chính bản thân mình cũng tự ti và muốn chối bỏ khiếm khuyết đó.”

Rồi mọi thứ dần thay đổi với cô!

Năm 2016, duyên kỳ ngộ đưa Sau gặp chị Lan Anh, Giám đốc Trung tâm ACDC trong lớp tập huấn tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Chứng kiến một người khuyết tật ngồi xe lăn có thể tự tin, vui vẻ và là lãnh đạo một tổ chức có tiếng khiến cô bé hạt tiêu suy nghĩ. Chị Lan Anh cũng chính là người đã truyền cảm hứng cho cô về sự nỗ lực thay đổi nhận thức của bản thân và hành động thực tế để khẳng định mình. Cô nhận ra rằng, người khuyết tật cũng có các quyền lợi và nghĩa vụ như những người không khuyết tật. Cô thấy mình may mắn vì được biết thêm về Hội người khuyết tật huyện nhà, ở đó có những hoàn cảnh giống như mình.

Từ một người nhút nhát, trầm cảm nhiều năm, Sau chủ động tham gia rất nhiều hoạt động tập huấn, hội thảo, chủ động lên tiếng và dần dần khẳng định mình, bước ra khỏi “vỏ ốc” của sự tự ti.

Lê Thị Sau tích cực tham gia Tập huấn Phòng chống Bạo lực giới trên cơ sở giới đối với người khuyết tật tại Thừa Thiên Huế

Kể từ năm 2017, Sau đã trở thành uỷ viên Ban chấp hành đồng thời là thư ký thường trực Hội người khuyết tật huyện Quảng Điền - nơi cô đang sinh sống. Cùng với đó, vượt qua những mặc cảm và tự ti, cô tham gia rất nhiều cuộc thi và đạt được nhiều thành tích khác nhau. Đặc biệt, cô đã đạt giải khuyến khích với đề án khởi nghiệp “Kinh doanh, buôn bán tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ khuyết tật” trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ II - năm 2020” do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Ngoài ra, với vốn kiến thức tích lũy được khi tham gia hoạt động Hội và dự án, cô luôn sẵn sàng chia sẻ cùng những người đồng cảnh với hy vọng có thể giúp họ xóa bỏ sự tự ti và tìm kiếm cơ hội cho bản thân.

Lê Thị Sau trở thành chủ nhiệm của Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật tại huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế

Không chỉ dừng lại ở đó, càng học hỏi, càng mở lòng, sống tích cực thì mong muốn có một Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật tại huyện để là một mái nhà chung cho các chị em phụ nữ khuyết tật cùng sinh hoạt, sẻ chia và giúp nhau vươn lên trong cuộc sống càng lớn dần lên trong cô. Cuối cùng, cô gái “hạt tiêu” ấy đã làm được. Ngày 25/09/2020, thông qua hỗ trợ từ “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” do USAID tài trợ, Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật huyện Quảng Điền đã chính thức ra đời và với vị chủ nhiệm đầu tiên là Lê Thị Sau. Cô chia sẻ: “Khi thấy những người cùng cảnh ngộ, tôi như thấy lại được chính bản thân mình trước đây, nghĩ mang trên mình sự khiếm khuyết mà bị xã hội kỳ thị, phân biệt đối xử, luôn tự dằn vặt bản thân. Chính vì vậy, tôi càng muốn giúp đỡ để họ có thể vượt qua và tự khẳng định giá trị của bản thân. Hiện nay, Câu lạc bộ đã chính thức được ra mắt vào ngày 25/09/2020 với 25 thành viên, tôi mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều chị em phụ nữ khuyết tật tham gia hơn nữa. Tôi mong rằng đây là nơi để chị em phụ nữ khuyết tật được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với nhau, có thể cùng nhau tham gia vào các hoạt động tự tạo việc làm, tăng thêm thu nhập thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh và buôn bán nhỏ.”

Giờ đây, sau bao năm sống khép mình, Sau thực sự đã tìm lại được niềm vui, hạnh phúc và hy vọng vào tương lai. Cô đã tự tin tìm việc làm với công việc gia sư cho các em học sinh gần nhà để có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình và tạo niềm vui cho bản thân.

Câu chuyện bước ra khỏi “bóng tối” của Sau thực sự là nguồn cảm hứng cho các chị em phụ nữ khuyết tật có thêm động lực để phá vỡ những rào cản và tìm kiếm cơ hội phát triển cho chính mình.

Nguồn: "Đánh thức" - Ấn phẩm dự án "Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật"


0 bình luận

Bình luận thêm