Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

ACDC – Những dấu ấn năm 2021

  • Thực hiện: Nguyệt Hà
  • 18/01/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 2057

Năm 2021 là năm đánh dấu 10 năm hình thành và phát triển của ACDC. Đây cũng là một năm với nhiều khó khăn và thử thách khi dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có hồi kết, nhưng với sứ mệnh “Chia sẻ niềm tin, nâng cao vị thế” của mình, ACDC vẫn kiên định tiến bước và đạt được những thành tựu tích cực. Hãy cùng chúng tôi nhìn lại những dấu ấn trong năm 2021 của ACDC!

1. Hỗ trợ người khuyết tật và gia đình trong bão ảnh hưởng nặng sau bão lụt tại Miền Trung

Ngay sau khi làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 tạm lắng vào cuối mùa hè năm 2020, liên tiếp các cơn bão và lũ lụt đổ bộ vào các tỉnh miền Trung Việt Nam gây ra mất mát, thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân địa phương. Trong số các tỉnh bị ảnh hưởng thì tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam là các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây cũng là địa bàn của các dự án do ACDC thực hiện. Có khoảng 186.000 người khuyết tật đang sinh sống tại đây (Quảng Trị: 37.000 người; Thừa Thiên Huế: 30.000 người; Quảng Nam: 60.000 người và Quảng Ngãi: 59.000 người). Chính vì vậy, ACDC đã phối hợp với các đối tác, chủ động thu thập thông tin về người khuyết tật trong khu vực bị ảnh hưởng và chuẩn bị sẵn sàng cho việc cứu trợ khẩn cấp.

Với sứ mệnh và trách nhiệm của mình, cuối năm 2020 và đầu năm 2021, ACDC đã cung cấp cứu trợ lương thực, một số đồ dùng tại nhà mà người khuyết tật bị mất sau bão lụt (như chăn, màn, đồ nhà bếp) và tiền mặt cho gần 3000 người khuyết tật và gia đình tại 4 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Trị và Quảng Ngãi. 400 bình lọc gốm được trao cho những hộ gia đình khó khăn nhất. Hoạt động cũng đã hỗ trợ sách vở, bàn ghế cho 6 trường học hòa nhập khó khăn và thiệt hại nhất nơi có học sinh khuyết tật theo học tại 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Trị. Tổng giá trị hỗ trợ lên tới gần 6 tỷ đồng.

2. Tư vấn pháp luật và vận động chính sách

Trong năm 2021, ACDC đã tư vấn cho khoảng 1000 lượt người khuyết tật/gia đình người khuyết tật dưới những hình thức khác nhau. Các trường hợp đã tư vấn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất là trợ giúp xã hội, sau đó là các lĩnh vực như vay vốn – kinh doanh, giáo dục, bảo hiểm xã hội – bảo hiểm y tế, đất đai,....

Trong lĩnh vực vận động chính sách, ACDC cũng đã nghiên cứu, tham gia góp ý và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cũng như lồng ghép các chính sách về người khuyết tật đối với 10 văn bản pháp luật, dự thảo văn bản pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau như: người khuyết tật; trợ giúp xã hội; khám bệnh, chữa bệnh; phòng, chống bạo lực gia đình; sở hữu trí tuệ...

Đặc biệt, ACDC đã hợp tác với các cơ quan, tổ chức, đơn vị vận động thành công chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật trong lĩnh vực trợ giúp xã hội tốt hơn như: tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội, thay đổi về cơ bản quy định cách tính hệ số kinh phí hỗ trợ chăm sóc hàng tháng đối với hộ gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng; đổi mới cách tính thời gian hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật theo hướng tăng cường việc đảm bảo lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và gia đình họ; đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan.

3. Tài trợ cho các tổ chức người khuyết tật kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam 2021

Hướng tới kỷ niệm 10 năm thành lập, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đã tài trợ cho 10 Hội người khuyết tật tổ chức các hoạt động/sự kiện hưởng ứng ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4/2021 với chủ đề “An toàn - Bình đẳng”. Tổng giá trị đợt tài trợ lên tới hơn 100.000.000 VNĐ.

Các sự kiện diễn ra trong hoàn cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp cả trên thế giới và đất nước. Sự đồng hành của ACDC với các tổ chức người khuyết tật trong giai đoạn này có ý nghĩa đặc biệt, khẳng định sự kiên định trong sứ mệnh và những mục tiêu mà ACDC luôn theo đuổi suốt chặng đường 10 năm hình thành và phát triển, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

4. Nộp Báo cáo độc lập về tình hình thực thi CRPD tại Việt Nam lên Ủy ban Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật

Một báo cáo độc lập về tình hình thực thi Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD) tại Việt Nam đã được nộp lên Ủy ban Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật vào tháng 4 năm 2021. Đây là thành quả của cả một quá trình làm việc không ngừng nghỉ của Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC), Liên hiệp hội về người khuyết tật tại Việt Nam (VFD) và mạng lưới người khuyết tật trên toàn quốc.

Báo cáo độc lập về giám sát việc thực thi UNCRPD của VFD thực hiện đưa ra mười (10) vấn đề ưu tiên lớn với 66 khuyến nghị mà VFD và các tổ chức thành viên hy vọng và tin tưởng vào sự thay đổi của Chính phủ Việt Nam trong những năm tới đây, để nhằm đảm bảo điều kiện cần thiết cho sự hoà nhập và bình đẳng của người khuyết tật tại Việt Nam. Báo cáo trình bày theo 10 vấn đề ưu tiên và được đưa lồng ghép trong các nhóm quyền được quy định trong UNCRPD gồm: 1) Các chính sách chung và chính sách sống độc lập; 2) Tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người khuyết tật; 3) Truyền thông về nhận thức liên quan đến vấn đề khuyết tật; 4) Tiếp cận giao thông, công trình xây dựng, tư pháp và thông tin truyền thông với người khuyết tật; 5) Giáo dục và đào tạo đối với người khuyết tật; 6) Chăm sóc y tế đối với người khuyết tật; 7) Đào tạo nghề và việc làm đối với người khuyết tật; 8) Giảm thiểu rủi ro thiên tai với người khuyết tật; 9) Phụ nữ khuyết tật và quyền của trẻ em khuyết tật; 10) Vai trò của tổ chức Hội người khuyết tật trong việc giám sát và thực thi chính sách liên quan đến quyền của người khuyết tật.

5. Thí điểm tuyến buýt tiếp cận cho người khuyết tật tại tỉnh Quảng Nam

Ngày 23/6/2021, tuyến xe buýt tiếp cận cho người khuyết tật ở một số tuyến cố định tại Quảng Nam đã nghiệm thu và đưa vào hoạt động. Mục đích của việc triển khai này nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật.

Dưới sự hỗ trợ của dự án, Sở Giao thông vận tải và Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam đã hoàn thiện việc lắp đặt tuyến xe tiếp cận với 8 chiếc xe buýt đầu tiên chạy trên các tuyến TP Tam Kỳ - sân bay Chu Lai và TP Tam Kỳ - Điện Nam, Điện Ngọc. Tuyến xe buýt đã được lắp đặt hệ thống âm thanh và hệ thống màn hình thông báo điểm lên xuống trạm nhằm hỗ trợ các dạng tật như khiếm thị, khiếm thính và cung cấp đa dạng thông tin cho hành khách, giúp hành khách dễ tiếp cận với xe buýt, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ của xe buýt. Đây là thành tựu của việc thúc đẩy triển khai kế hoạch thí điểm tuyến xe buýt mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” (ACDC) và Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) đồng thực hiện.

6. Hội người khuyết tật huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn được thành lập

Sáng 24/11/2021, Hội người khuyết tật huyện Na Rì - Bắc Kạn đã tiến hành Đại hội khóa I, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự ra đời của Hội người khuyết tật huyện Na Rì, cũng là Hội người khuyết tật đầu tiên có tư cách pháp nhân của tỉnh Bắc Kạn.

Đại hội đã nhất trí và bầu ra 07 thành viên thuộc Ban chấp hành, Hội người khuyết tật huyện Na Rì - Khóa I. Việc ra đời Hội người khuyết tật là một sự khẳng định cho những nỗ lực cố gắng của Ban vận động thành lập Hội người khuyết tật huyện Na Rì nói riêng và là thành công của phong trào người khuyết tật cả nước nói chung, cũng là “quả ngọt” cho các dự án hỗ trợ người khuyết tật mà ACDC đã thúc đẩy trong giai đoạn 2018 - 2020 và 2019 - 2022 tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng ACDC chia sẻ: “Năm 2018, chúng tôi bắt đầu đồng hành cùng huyện Na Rì với dự án “We can - Chúng tôi có thể’’ được ChildFund và ACDC phối hợp triển khai trong giai đoạn 2018 - 2020. Đây là cột mốc đầu tiên cho sự phát triển của Hội người khuyết tật huyện nhà. Dự án đã thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật thông qua việc triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng, cán bộ địa phương và người khuyết tật, gia đình người khuyết tật; tăng cường phục hồi chức năng và đa dạng hóa sinh kế của người khuyết tật.”

Từ năm 2016 cho đến nay, ACDC đã thúc đẩy và hỗ trợ cho sự ra đời của 10 tổ chức của người khuyết tật, hỗ trợ nâng cao năng lực và kết nối mạng lưới cho 23 Hội người khuyết tật cấp tỉnh trên toàn quốc. Sự thành lập của Hội người khuyết tật huyện Na Rì với đầy đủ tư cách pháp nhân là một dấu mốc để vẽ tiếp “tấm bản đồ” trong mục tiêu chung mà ACDC đang thúc đẩy.


0 bình luận

Bình luận thêm