Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Rào cản tiếp cận bình đẳng trong lao động của người khuyết tật

  • Thực hiện: Lê Nhật
  • 22/09/2016
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 926

Trong khuôn khổ dự án của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế - Quỹ đặc biệt vì Người khuyết tật (ICRC-SFD) hỗ trợ người khuyết tật vận động nghèo Việt Nam, năm 2016 ICRC-SFD tiếp tục cam kết cung cấp dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng miễn phí cho người khuyết tật đồng thời nâng cao chất lượng của các dịch vụ này. 

Một trong các hoạt động về cải thiện chất lượng mà ICRC-SFD thực hiện là cung cấp học bổng đào tạo 03 năm Kỹ thuật viên Chỉnh hình ISPO CAT II tại Khoa Chỉnh hình (VIETCOT) thuộc trường Đại học Lao động – Xã hội. Chi phí cho một học viên tham gia Chương trình đào tạo này ước tính xấp xỉ 30.000 USD cho thời gian 03 năm. Các suất học bổng này chỉ cấp cho 04 đơn Chỉnh hình thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mà ICRC-SFD đang hợp tác là Trung tâm/Bệnh viện Chỉnh hình – Phục hồi chức năng Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Cần Thơ với 02 suất học bổng/đơn vị. 

Hoạt động này ICRC-SFD nhấn mạnh vào nhu cầu đào tạo và tuyển dụng nhân lực là nữ giới và là người khuyết tật tại các cơ sở Chỉnh hình – Phục hồi chức năng. Chính vì thế, một trong những điều kiện cho học bổng là một nửa số ứng viên là nữ và một nửa số ứng viên còn lại là người khuyết tật có khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc của một kỹ thuật viên chỉnh hình. 

Có nhiều lợi ích khi lựa chọn những đối tượng nói trên để làm việc trong các Trung tâm/Bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng như: 1) Người khuyết tật có nhiều động lực làm việc và luôn biết cách vượt qua thách thức hàng ngày; 2) Có nhiều người sử dụng dịch vụ là nữ và họ không muốn được điều trị bởi các kỹ thuật viên nam giới. Vì thế tuyển dụng lao động nữ cũng sẽ góp phần tăng số lượng đối tượng sử dụng dịch vụ này. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu thực tế đã chỉ ra rằng người khuyết tật và lao động nữ thường có xu hướng gắn bó lâu dài với công việc hơn, vì họ luôn mong muốn sự ổn định, bền vững trong công việc. Kĩ thuật viên là người khuyết tật và nữ giới sẽ làm đa dạng lực lượng lao động và tăng khả năng phục vụ nhiều đối tượng khách hàng/bệnh nhân đồng thời đóng góp vào việc hòa nhập lao động với những năng lực khác nhau.

Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của dự án là nâng cao chất lượng dịch vụ chỉnh hình cho người khuyết tật và thúc đẩy cơ hội giáo dục, tạo việc làm chuyên nghiệp cho người khuyết tật đã vấp phải một trở ngại pháp lý. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 178 Bộ luật lao động Việt Nam năm 2012 quy định về các hành vi bị cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật quy định: “2. Sử dụng lao động là người khuyết tật làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các hóa chất độc hại theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành”

Tại Quyết định 190/1999/QÐ-BLÐTBXH ngày 03/03/1999 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm công việc thì công việc Sản xuất các dụng cụ chỉnh hình (chân, tay giả, giầy, nẹp, áo chỉnh hình...) được quy định là một trong những nghề nghiệp nặng nhọc và độc hại. Trong khi đó công việc này chỉ là một phần trong số các công việc hàng ngày của một Kỹ thuật viên Chỉnh hình – Phục hồi chức năng chuyên nghiệp được quốc tế công nhận. 

Công ước Quốc tế của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD) đã được Việt Nam phê chuẩn vào ngày  28/11/2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện CRPD vào ngày 21/06/2016. Đã đến lúc các bên liên quan cần nhìn nhận và xem xét lại Luật và các quy định đối với người khuyết tật trong lĩnh vực lao động nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung, để giúp người khuyết tật tiếp cận tối đa với các cơ hội việc làm cũng như phá bỏ mọi rào cản để hòa nhập bình đẳng trong cộng đồng.

(ICRC – SFD)


0 bình luận

Bình luận thêm