Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tọa đàm trực tuyến - Công bố những phát hiện chính từ đánh giá nhanh lần thứ hai về tác động kinh tế - xã hội của Covid-19 đối với người khuyết tật năm 2021

  • Thực hiện: Nguyệt Hà
  • 24/02/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 917

Sáng 24/02/2022, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã phối hợp tổ chức Lễ công bố các phát hiện chính “Đánh giá nhanh lần thứ hai về tác động kinh tế xã hội của Covid-19 đối với người khuyết tật vào năm 2021” tại Hà Nội.

Buổi lễ có sự tham gia trực tuyến trên nền tảng Zoom của đại diện đến từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn phòng Quốc hội; Liên hiệp hội về người khuyết tật và các tổ chức của và vì người khuyết tật, các nhà nghiên cứu chính sách đến từ Viện nghiên cứu, các trường Đại học, Đại diện các tổ chức xã hội, các tổ chức của Liên Hợp quốc… Đặc biệt, chương trình cũng được livestream trên Fanpage của UNDP và ACDC. Những phát hiện chính từ Đánh giá nhanh lần hai về tác động kinh tế - xã hội của Covid-19 đối với người khuyết tật được thực hiện vào tháng 09/2021 đã được bà Đào Thu Hương, Cán bộ Hòa nhập Người khuyết tật, UNDP trình bày tại buổi công bố.

Các đại biểu tham dự trên trực tuyến về “Đánh giá nhanh lần thứ hai về tác động kinh tế xã hội của Covid-19 đối với người khuyết tật vào năm 2021”

So với năm 2020, tác động của đại dịch trong năm 2021 đối với người khuyết tật được đánh giá là nghiêm trọng hơn: 38% người khuyết tật thất nghiệp, cao hơn 8% so với kết quả điều tra tương tự năm 2020, 75% người khuyết tật khác bị giảm số giờ làm việc, cao hơn 1,5 lần so với mức trong Đánh giá nhanh lần thứ nhất vào năm 2020 (con số này trong cuộc điều tra năm 2020 là 49%). Trong số những người đang có việc làm, số hộ gia đình người khuyết tật có thu nhập từ 2.000.000 trở lên trước đại dịch đã giảm đáng kể từ 51% xuống 33% vào tháng 8 năm 2021 và 56% hộ gia đình có người khuyết tật có thu nhập dưới 2.000.000 triệu đồng vào năm 2021. Điều này đồng nghĩa với việc có thêm nhiều người khuyết tật rơi vào tình trạng nghèo hơn. 92% người làm nghề tự do và người lao động khuyết tật trong khu vực phi chính thức bị giảm giờ làm hoặc thất nghiệp. Về  tác động của dịch bệnh trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật, có 35% người khuyết tật được hỏi gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về các biện pháp phòng bệnh, bao gồm cả vắc xin. 82% người khuyết tật cho biết gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế (cao hơn 12% so với Đánh giá nhanh đầu tiên)…

Các chiến lược truyền thông của Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn sự bùng phát COVID-19 có hiệu quả, được thể hiện rõ qua nhận thức cao của những người được hỏi về Đại dịch và các biện pháp phòng ngừa, có sự ủng hộ cao về chính sách và hành động của chính phủ nhằm ngăn chặn đại dịch. Hơn 65% người được hỏi đánh giá kiến thức của họ về Phòng ngừa và Kiểm soát COVID-19 là tốt hoặc rất tốt. Có tới 94% nói rằng họ cố gắng ở nhà nhiều hơn, hạn chế ra ngoài hoặc tập trung ở những nơi đông người…. Có tới 67% người khuyết tật cảm thấy họ được bảo vệ và hỗ trợ.

Bà Đào Thu Hương, Cán bộ Hòa nhập Người khuyết tật, UNDP trình bày Đánh giá nhanh lần hai về tác động kinh tế - xã hội của Covid-19 đối với người khuyết tật năm 2021

Kết quả khảo sát cũng cho thấy những phản hồi tích cực từ những người khuyết tật liên quan đến các gói hỗ trợ của chính phủ: 39% đã nhận được hỗ trợ từ chính phủ, 50% đã nhận được hỗ trợ từ các tổ chức xã hội dân sự bao gồm các tổ chức của và của người khuyết tật, các tổ chức từ thiện và các nhà hảo tâm từ các nhà tài trợ cá nhân.

Đánh giá đã đưa ra một số đề xuất cho thời gian tới:  

  • Cần phân tích toàn diện hơn các tác động của Covid-19 ở cấp độ vĩ mô và vi mô, phân tách dữ liệu theo tình trạng khuyết tật để thấy được tác động không cân đối của đại dịch đối với nhóm này so với các nhóm dân cư khác;
  • Cần quan tâm hơn nữa đến các nhóm người khuyết tật sinh sống tại các khu vực dễ bị tổn thương, nơi người dân phải gánh chịu thiệt hại kép: vừa Covid-19, vừa thiên tai
  • Nâng cao năng lực cho các Tổ chức của/vì người khuyết tật trong vận động chính sách và huy động các nguồn lực để thực hiện các chương trình hỗ trợ người khuyết tật phục hồi sau Covid-19.
  • Tăng cường năng lực của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật trong việc vận động đưa người khuyết tật vào các nhóm ưu tiên trong tất cả các kế hoạch của chính phủ và các gói cứu trợ liên quan đến Covid 19 và năng lực điều phối liên bộ để đảm bảo đưa người khuyết tật vào các chính sách kịp thời và tốt hơn trên tất cả các khía cạnh khác ngoài bảo trợ xã hội.
  • Vận động tăng cường thông tin dễ tiếp cận cho người khuyết tật, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai, đại dịch. Đặc biệt, hỗ trợ Cộng đồng người Điếc thêm thời lượng chương trình có sử dụng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trên các kênh Truyền hình Quốc gia. 

Sau phần công bố, tọa đàm với chủ đề “Các đề xuất về chính sách và các hoạt động nhằm tăng cường sự hòa nhập khuyết tật trong ứng phó với đại dịch Covid-19” đã được tổ chức với sự tham gia của các đại diện đến từ Văn phòng Quốc hội, Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cùng các chuyên gia về luật và vận động chính sách. Các đại biểu đã thảo luận vô cùng sôi nổi và có những chia sẻ tâm đắc từ kinh nghiệm làm việc cũng như giải đáp nhiệt tình những câu hỏi từ phía khách mời.

Với sự chia sẻ thẳng thắn và đưa ra đề xuất chính sách của các chuyên gia nhằm đảm bảo sự hòa nhập của người khuyết tật trong ứng phó với đại dịch Covid-19

Đánh giá lần này đã sử dụng phương pháp khảo sát bằng biểu mẫu Google định dạng có thể truy cập được cho tất cả mọi người; đối với những người không thể truy cập khảo sát trực tuyến: phỏng vấn qua điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp trong khoảng 30 phút với các câu hỏi giống nhau, cuộc khảo sát chuyên sâu này được thực hiện từ ngày 08 tháng 9 đến ngày 30 tháng 9 năm 2021 với sự tham gia của 1792 người đến từ tất cả 63 tỉnh tại Việt Nam.

Mục đích của khảo sát là tìm hiểu nhận thức và trải nghiệm của người khuyết tật Việt Nam về những biện pháp phòng/chống dịch Covid-19 do chính phủ và các địa phương áp dụng năm 2021, so sánh với Đánh giá nhanh lần thứ nhất đã tiến hành vào năm 2020. Từ đó, đánh giá sẽ đưa ra đề xuất với các chính sách với Chính phủ và địa phương, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các tổ chức của và vì người khuyết tật về hòa nhập người khuyết tật trong ứng phó với các đợt đại dịch Covid-19 có thể xảy ra sau này hoặc những đại dịch tương tự.


0 bình luận

Bình luận thêm