Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2022: Giáo dục hòa nhập chất lượng cho tất cả

  • Thực hiện: Hoàng Nhật (Biên dịch và tổng hợp)
  • 30/03/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 2508

Ngày 18 tháng 12 năm 2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc - Khóa 62 thông qua một nghị quyết đặc biệt số A/RES/62/139. Theo đó, ngày 2 tháng 4 hàng năm được công nhận là “Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ” (World Autism Awareness Day – WAAD), với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về hội chứng này.

Tự kỷ là gì?

Tự kỷ là một rối loạn phát triển lan tỏa do bất thường của não bộ, có các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Người tự kỷ có những biểu hiện như kém tương tác xã hội, bất thường về ngôn ngữ, giao tiếp hay hành vi. Năm 2020, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), ước tính trên toàn thế giới, cứ 54 người thì có 1 người mắc chứng tự kỷ.

Thực trạng của Giáo dục hòa nhập chất lượng đối với trẻ tự kỷ

Từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, phần lớn các quốc gia đã thông báo tạm thời đóng cửa các trường học, ảnh hưởng đến hơn 90% học sinh trên toàn thế giới. Sự gián đoạn trong học tập do đại dịch gây ra đã làm đảo lộn quá trình giảng dạy và học tập, đồng thời, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục.

Nhiều học sinh mắc chứng tự kỷ đang phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt nghiêm trọng. Các nghiên cứu cho thấy người bị tự kỷ đã bị ảnh hưởng rất nhiều do sự gián đoạn các quyền lợi, cũng như các dịch vụ và hỗ trợ mà họ vốn đang được hưởng.

Chương trình Best Buddies Việt Nam

Mục tiêu phát triển bền vững số 4

Năm 2015, 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững đã được các lãnh đạo thế giới tại Liên hợp quốc  đề xuất kế hoạch chi tiết để giải quyết những thách thức lớn mà thế giới đang phải đối mặt, bao gồm cả bất bình đẳng.

Mục tiêu Phát triển Bền vững 4 (SDG 4) tập trung vào việc đảm bảo giáo dục hòa nhập và bình đẳng có chất lượng, đồng thời thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi đối tượng, làm nền tảng để cải thiện cuộc sống của toàn dân và giảm sự bất bình đẳng.

Các mục tiêu cụ thể cho SDG 4 đề cập đến nhu cầu đảm bảo “tiếp cận bình đẳng với tất cả các cấp học và dạy nghề” cho người khuyết tật và xây dựng các cơ sở giáo dục nhằm cung cấp “môi trường học tập hòa nhập và hiệu quả cho tất cả mọi người.”

Về mục tiêu này, SDGs đã lặp lại nội dung trong Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật. Điều 24 của Công ước công nhận rằng người khuyết tật có quyền được giáo dục hòa nhập, có chất lượng trên cơ sở bình đẳng với những người khác và phải cung cấp chỗ ở phù hợp theo yêu cầu của cá nhân.

Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2022

Năm nay, Liên hợp quốc công bố chủ đề Ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ 02/04 là “Giáo dục hòa nhập chất lượng cho tất cả”. Chủ đề năm nay là sự tiếp nối với chủ đề WAAD năm 2021 - “Hòa nhập tại nơi làm việc”, nhằm nhấn mạnh rằng người tự kỷ cũng có quyền được hưởng một nền giáo dục chất lượng như những người khác. Việc thúc đẩy giáo dục hòa nhập chất lượng cho những người mắc chứng tự kỷ sẽ giúp họ phát huy hết tiềm năng của mình và đạt được thành công bền vững khi tham gia thị trường lao động. Hơn nữa, giáo dục hòa nhập còn là chìa khóa cho lời hứa mang tính đột phá của các Mục tiêu Phát triển Bền vững nhằm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nguồn: https://www.un.org/en/observances/autism-day


0 bình luận

Bình luận thêm