Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Ươm mầm xanh

  • Thực hiện: Huyền Trang
  • 25/04/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1693

Khi được tham gia lớp tập huấn về các chính sách pháp luật liên quan đến giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, cô giáo Nông Thị Quyết (Bắc Kạn) đã hiểu được vai trò quan trọng của nhà trường và thầy cô trong việc hỗ trợ giáo dục cho học sinh khuyết tật. Bằng tấm lòng nhân hậu, tận tâm với nghề và sự hiểu biết, cô Quyết đã nỗ lực không ngừng để giúp đỡ các em học sinh khuyết tật của mình được học tập và hòa nhập với cộng đồng.

Nhân một dịp công tác tại Bắc Kạn, chúng tôi - các cán bộ của Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đã có cơ hội gặp gỡ cô giáo Nông Thị Quyết, một trong những giáo viên được tham gia tập huấn lại tại Trường Mầm non Đổng Xá, huyện Na Rì. Tại đây, chúng tôi đã cùng nhau trò chuyện về các chính sách pháp luật liên quan đến giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật và lắng nghe những tâm sự, trăn trở của cô giáo Nông Thị Quyết trong hành trình ươm mầm những chiếc lá chưa xanh - chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật.

Năm học 2020 - 2021, cô Quyết được phân công dạy lớp trẻ mầm non bốn và năm tuổi. Lớp cô có 24 học sinh, nhưng điều đặc biệt là có hai em học sinh khuyết tật: bé Trà My bị bệnh tim bẩm sinh và bé Cẩm Nhung không có hậu môn. Những ngày đầu mới nhận lớp là những ngày vất vả nhất trong quãng thời gian đi dạy của cô Quyết. Bé Trà My bị bệnh tim bẩm sinh nên sức khỏe rất yếu. Khi đến lớp, hầu như con chỉ nằm cạnh cô cả buổi, không chơi đùa với bạn bè. Mỗi khi con khóc nấc lên hoặc lên cơn đau, con thở rất khó khăn, những đầu ngón tay của con tím tái hết lại rồi con nằm vật ra sàn lớp. Còn Cẩm Nhung, tuy rất ngoan ngoãn nghe lời cô giáo, nhưng con gặp vấn đề về vệ sinh cá nhân vì đại tiện không tự chủ. Dù rất thương và thấu hiểu hoàn cảnh của các con, nhưng nhiều khi, cô Quyết không biết xử lý ra sao khi trong lớp còn nhiều bé khác cần cô chăm sóc. Việc tắm rửa cho Cẩm Nhung hay trông nom Trà My đến tối muộn cho tới khi người nhà các con đến đón đã trở nên quen thuộc, nhưng thật lòng cô còn mong muốn mình có thể làm điều gì đó giúp cuộc sống của các con tốt hơn.

Thời điểm đầu năm học, Trà My và Cẩm Nhung  đều chưa có giấy xác nhận khuyết tật và cô Quyết cũng chưa biết đến các chính sách ưu đãi của nhà nước dành cho trẻ khuyết tật. Vì chưa hiểu về các dạng tật, mức độ khuyết tật, mức hưởng trợ cấp xã hội nên cô thắc mắc “Sao lại vận động để đưa học sinh vào diện khuyết tật?”. Khi được tham gia lớp tập huấn lại tại trường về các chính sách pháp luật liên quan đến giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, cô Quyết mới hiểu được những hoạt động dự án đang làm là để hỗ trợ cho giáo viên, hỗ trợ các em học sinh khuyết tật. Cô cảm thấy “Những hoạt động đó rất hay và thiết thực cho chính bản thân tôi cũng như cho học sinh”. Tham gia tập huấn, cô đã biết được các dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật, quyền lợi của người khuyết tật, chính sách trợ cấp, học bổng hỗ trợ học tập cho trẻ khuyết tật...

Việc xác định mức độ khuyết tật cho trẻ khuyết tật và đảm bảo trẻ khuyết tật được hưởng với các chính sách trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội và chính sách học bổng là công tác liên ngành, cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan. Trong đó, nhà trường và giáo viên đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.

Vì vậy, công tác nâng cao nhận thức về các vấn đề khuyết tật, về các chính sách pháp luật liên quan đến người khuyết tật và về giáo dục hòa nhập cần được quan tâm triển khai thường xuyên tới các giáo viên, bên cạnh cộng đồng nói chung.

(Dự án “Quyền học tập của em”)

 

Lĩnh hội được kiến thức từ lớp tập huấn, cô đã chủ động liên hệ với gia đình em Trà My và Cẩm Nhung để trao đổi về việc làm hồ sơ xin xác định mức độ khuyết tật cũng như chia sẻ những chính sách hỗ trợ hàng tháng, học bổng hỗ trợ học tập cho các em. Qua trao đổi, cô mới biết gia đình bé Cẩm Nhung đã làm hồ sơ gửi Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã, sau đó xã chuyển hồ sơ lên tỉnh nhưng chưa được phản hồi. Với gia đình Trà My, họ không muốn làm hồ sơ vì lo lắng con sẽ bị kì thị khi được xác nhận khuyết tật. Nắm được tình hình, cô Quyết đã tư vấn cụ thể về quyền lợi của trẻ khuyết tật từ các chính sách hỗ trợ và vận động gia đình các em chủ động hoàn thiện hồ sơ, liên hệ các bên để xét duyệt hồ sơ. Gia đình hai em đã đồng ý rồi liên hệ, hoàn thiện hồ sơ gửi các bên liên quan theo sự hướng dẫn của cô. Đến tháng 01/2021, Trà My và Cẩm Nhung đã được cấp giấy xác nhận khuyết tật nhờ sự tư vấn nhiệt tình của cô giáo Quyết.

Từ những thành công ban đầu, cô Quyết lại tiếp tục hướng dẫn gia đình làm hồ sơ xin chế độ, học bổng cho trẻ khuyết tật theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định về học bổng dành cho đối tượng người khuyết tật hộ nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục[1]. Kết quả là vào tháng 4/2021, hai em đều nhận được trợ cấp chế độ và học bổng theo đúng chính sách của Nhà nước quy định. Những nỗ lực của cô và gia đình các em học sinh đã được đền đáp xứng đáng! Trong niềm vui và hy vọng từ những kết quả đã đạt được, cô Quyết chia sẻ mong muốn dự án sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa để hỗ trợ trẻ khuyết tật, đồng thời, để các cô có cơ hội trau dồi kiến thức, kỹ năng giúp các con học tập, hòa đồng với các bạn tốt hơn.

Xin được chia vui cùng cô Nông Thị Quyết và hai bé Trà My và Cẩm Nhung. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi là một phần trong hành trình hỗ trợ trẻ khuyết tật và người khuyết tật trên cả nước. Sự kỳ vọng của cô Quyết như tiếp thêm động lực cho chúng tôi, để chúng tôi nỗ lực hơn nữa trên hành trình ấy – hành trình nâng cao vị thế và hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.


[1] Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính, quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật.


0 bình luận

Bình luận thêm