Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Cơ chế phản hồi và Danh sách các vấn đề cần làm rõ trong báo cáo đầu tiên về thực thi công ước quốc tế về quyền người khuyết tật của chính phủ Việt Nam

  • Thực hiện: Hoàng Nhật
  • 13/05/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1270

Ngày 11-13/05/2022, tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (ACDC) tổ chức Hội thảo tập huấn “Cơ chế phản hồi và Danh sách các vấn đề cần làm rõ trong báo cáo đầu tiên về thực thi công ước quốc tế về quyền người khuyết tật của chính phủ Việt Nam”. Sự kiện được tài trợ bởi Đại sứ quán Na-uy tại Việt Nam và Quỹ Ủy thác đa Tài trợ Hợp tác thúc đẩy Quyền của người khuyết tật giữa các tổ chức của Liên hợp quốc.

Chương trình có sự tham gia của hơn 50 đại biểu, trong đó có bà Grete Løchen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam; Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; Bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD); Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng ACDC; PGS. TS. Nguyễn Hiền Phương, Phó Viện trưởng - Viện Luật so sánh - Đại học Luật Hà Nội; các chuyên gia quốc tế cùng đại diện Lãnh đạo của các Hội, nhóm, Câu lạc bộ của người khuyết tật đến từ các tỉnh/thành trên toàn quốc.

Bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) chia sẻ phát biểu tại trực tuyến

Phát biểu khai mạc, bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam (VFD) nhấn mạnh: “Hội thảo tập huấn lần này sẽ tiếp tục đào tạo cho các cán bộ nòng cốt Hội cách phản hồi hiệu quả khi cần góp ý sửa đổi các quy định về pháp luật hiện hành, đồng thời biết cách viết và đưa ra các kiến nghị hỗ trợ người khuyết tật trong nhiều lĩnh vực như: xác định mức độ khuyết tật, tham gia giáo dục hòa nhập, tìm kiếm việc làm, bảo vệ người khuyết tật khỏi bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử,… Đây là những kiến thức vô cùng thiết thực và ý nghĩa cho các đại biểu tham dự ngày hôm nay.”

PGS. TS. Nguyễn Hiền Phương, Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh, Đại học Luật Hà Nội hướng dẫn trực tiếp cho các học viên về các bước quy trình trong cơ chế phản hồi

Vào tháng 12 năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD). Người khuyết tật và các tổ chức đại diện đã đóng một vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành và đàm phán Công ước theo khẩu hiệu “Không có gì về chúng tôi mà không có chúng tôi!”. CRPD thừa nhận rằng vai trò này phải được tiếp tục và các quốc gia thành viên phải tham vấn và chủ động mời người khuyết tật tham gia các quá trình ra quyết định liên quan đến họ. Điều 33 (3) của CRPD cũng yêu cầu người khuyết tật và các tổ chức đại diện của họ phải được tham gia và tham gia đầy đủ vào quá trình giám sát thực hiện CRPD. Đây cũng là mục tiêu trọng tâm mà chương trình muốn hướng đến. Vì vậy, trong 2 ngày diễn ra hoạt động, các cán bộ nòng cốt của Hội/nhóm/câu lạc bộ của người khuyết tật đã được bồi dưỡng năng lực trong việc phản hồi về các chính sách cho người khuyết tật với các cơ quan Nhà nước. Đồng thời, các chuyên gia tham dự cũng đã hướng dẫn các đại biểu về cách viết bản đệ trình gồm danh sách các vấn đề cần làm rõ trong Báo cáo Quốc gia đầu tiên cho Ủy ban về Quyền của người khuyết tật.

Tại hội thảo, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đã nhấn mạnh 3 thông điệp chính và bày tỏ hy vọng các đại biểu sẽ nắm rõ: Một là, cần có cơ chế phản hồi dễ tiếp cận và hòa nhập đối với người khuyết tật tại nơi họ sinh sống. Hai là, việc gửi Danh sách các vấn đề cho CRPD phải đại diện cho tiếng nói đa dạng của hơn 6.000.000 người khuyết tật trên toàn quốc. Ba là, kêu gọi sự đoàn kết và phối hợp chặt chẽ của các cá nhân, tổ chức để hoàn thành các quy trình của mình trong CRPD.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP đưa ra các thông điệp chính nhằm đảm bảo tiếng nói của người khuyết tật trong các vấn đề liên quan đến Báo cáo CRPD

Ngoài ra, ông Patrick Haverman cam kết: “UNDP luôn sẵn sàng hỗ trợ những nỗ lực của các đại biểu. Trong buổi tập huấn này, chúng tôi tập hợp các nhà chuyên môn quốc tế để chia sẻ với các đại biểu những thông lệ tốt về cơ chế phản hồi và báo cáo CRPD. Chúng tôi hy vọng rằng những chia sẻ này sẽ hữu ích cho việc hoàn thành bản đệ trình nói riêng và công việc giám sát CRPD nói chung.”

Các lãnh đạo của tổ chức cùng quý vị đại biểu chụp ảnh lưu niệm Hội thảo tập huấn

Hội thảo tập huấn lần này nằm trong khuôn khổ hai dự án “Làm việc cùng nhau vì một tương lai hòa nhập - Thực hiện Công ước về Quyền của người khuyết tật (CRPD) thông qua hợp tác hiệu quả”“Tăng cường thực hiện các khuyến nghị quốc tế về quyền con người dành cho Việt Nam” của UNDP Việt Nam. Thông qua các hoạt động, dự án kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật và  đảm bảo thực hiện có hiệu quả CRPD cũng như tạo điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa nguyên tắc “không để ai ở lại phía sau”.


0 bình luận

Bình luận thêm