Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tập huấn Tiếp cận vật lý cho cán bộ Hội và cán bộ các ban ngành liên quan

  • Thực hiện: Minh Châu
  • 20/05/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1420

Tiếp cận vật lý là một trong những nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy hòa nhập cho người khuyết tật. Trên thực tế, nhiều người khuyết tật, gia đình người khuyết tật, thậm chí cả đội ngũ cán bộ ban ngành hoặc các đơn vị thực hiện chính sách của người khuyết tật vẫn đang bị hạn chế về kiến thức và kỹ năng liên quan đến các tiêu chuẩn tiếp cận trong xây dựng. Để góp phần cải thiện vấn đề này, trong tháng 5, ACDC đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức 2 khóa tập huấn “Tiếp cận vật lý cho cán bộ Hội và cán bộ các ban ngành liên quan” tại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Khóa tập huấn có sự tham gia của hơn 80 đại biểu. Các đại biểu đến từ rất nhiều đơn vị, phòng ban khác nhau, bao gồm: Hội Người khuyết tật tỉnh/huyện/xã, Hội Phụ nữ, Phòng Lao động Thương binh Xã hội, Trạm Y tế, Ủy ban Nhân dân, nhóm giảng viên nguồn của dự án…

Giảng viên Trần Thị Thanh Ý - Viện Nghiên cứu Quy hoạch và phát triển đô thị - Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Khóa tập huấn được thực hiện dưới sự hướng dẫn chi tiết và nhiệt tình của cô Trần Thị Thanh Ý – Viện Nghiên cứu Quy hoạch và phát triển đô thị - Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam. Thông qua khóa học, các học viên đã được hiểu hơn các khái niệm và thuật ngữ về tiếp cận; những quy chuẩn, tiêu chuẩn tiếp cận của QCVN:10 2014/BXD các công cụ để đánh giá mức độ tiếp cận của các công trình này.

Với khóa học tại Quảng Trị, ngoài việc học tập, thảo luận cùng nhau tại hội trường chung, học viên còn được chia thành 03 nhóm nhỏ để tiến hành đi khảo sát thực địa. Nhóm học viên đã đến khảo sát tại nhà của 02 hộ gia đình người khuyết tật tại thành phố Đông Hà, mô hình ngôi nhà tiếp cận tại Văn phòng ACDC Quảng Trị và một số công trình công cộng trong tỉnh. Đây là cơ hội để học viên có thể áp dụng những kiến thức đã được học vào thực tế, từ đó đánh giá được mức độ tiếp cận của các công trình này đối với người khuyết tật và đề xuất các hướng giải quyết/tư vấn phù hợp.

Nhóm học viên đi khảo sát thực địa tại nhà của người khuyết tật để thu nhập thông tin và đánh giá mức độ tiếp cận của công trình đối với người khuyết tật

Với khóa tập huấn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các học viên cũng đã được hiểu thêm những quy chuẩn tiêu chuẩn xây dựng các công trình, mô hình nhà đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật và các bộ công cụ để đánh giá mức độ tiếp cận của những công trình này. Đặc biệt, bên cạnh những kiến thức lý thuyết, các học viên đã có cơ hội thực hành trực tiếp về tiếp cận vật lý tại khách sạn tập huấn, nhà trung chuyển và tại nhà của người khuyết tật. Qua việc học lý thuyết đi đôi với thực hành, các học viên được rèn luyện khả năng đánh giá, phát hiện vấn đề cũng như đề xuất những giải pháp hỗ trợ thiết thực.

Các học viên có cơ hội thực hành về công trình công cộng tại nhà của người khuyết tật

Hoạt động đã nhận được nhiều chia sẻ tích cực từ các học viên:

Chị T.T.S – cán bộ UBND xã Gio Châu, tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Nhờ tham gia khóa tập huấn này, tôi mới biết được có những quy chuẩn quy định về các thông số trong nhà ở và các công trình công cộng rất thiết thực và hữu ích cho người khuyết tật. Tôi nghĩ rằng việc áp dụng những kiến thức này không chỉ có lợi đối với người khuyết tật, mà còn cho người già, người lớn tuổi, kể cả phụ nữ hay những người sức khỏe yếu.

Học viên trình bày chia sẻ trong buổi tập huấn tại đây

Bác H.X.P – cán bộ Hội người khuyết tật huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tâm sự: Sau khi xem kết quả thực hành của 02 nhóm đi thăm hộ gia đình, tôi cảm thấy chạnh lòng vì tại các công trình công cộng nơi nhóm tôi đến thì hầu như chưa đạt tiêu chuẩn tiếp cận đối với người khuyết tật. Tôi hy vọng rằng các cán bộ ban ngành ở đây sẽ góp tiếng nói để sau này các công trình công cộng đảm bảo việc tiếp cận cho người khuyết tật hơn.

Chị N.T.N.A Hội người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ “Bản thân tôi đã được tập huấn nhiều lần và đã đi thăm quan nhà trung chuyển ở Phong Điền nay được thăm quan Phú Vang. Tôi thấy rằng chúng ta nên học hỏi và chia sẻ những cái mình học hôm nay. Mỗi chúng ta không ai sẽ khỏe mãi, sau này đều sẽ bị bệnh tật vì vậy nên chia sẻ cho mọi người học tập. Chương trình hôm nay bổ ích cho người khuyết tật nói riêng và mọi người nói chung. Chúng ta nên học hỏi và nhân rộng những mô hình đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật này trong cộng đồng.”

Hoạt động tập huấn lần này nằm trong khuôn khổ dự án” Tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế cho người khuyết tật” giai đoạn 2021 – 2024. Trong thời gian tới, dự án sẽ có nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập với cộng đồng.


0 bình luận

Bình luận thêm