Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Muốn làm ắt sẽ có cách

  • Thực hiện: ACDC
  • 28/09/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1450

“Muốn làm ắt sẽ có cách” là kim chỉ nam của chúng tôi trong suốt đợt cứu trợ khẩn cấp cho người khuyết tật vượt qua bão lũ tại tỉnh Quảng Nam.

Chỉ trong khoảng 10 ngày (từ ngày 6 - 17/10/2020), liên tiếp các cơn bão và lũ lụt đổ bộ vào các tỉnh miền Trung Việt Nam, trong đó có Quảng Nam. Thiệt hại không kể xiết cả về tính mạng và tài sản của người dân. Những con số từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đưa ra khiến ai cũng phải bàng hoàng: 11 người chết, 41 người bị thương, hơn 500 hộ dân bị phá hủy hoàn toàn, 60 trường học bị ảnh hưởng nặng nề, 127 phòng học chìm trong nước, 634 ha lúa và 2.700 ha cây trồng bị thiệt hại, 1.266 cây cối bị đổ, 306 tấn lương thực bị thiệt hại, 700 con gia súc và 150.000 con gia cầm bị chết trong lũ. Tổng thiệt hại khoảng 1.480 tỷ đồng. Cuộc sống của người dân đối mặt với vô vàn khó khăn, trong đó, người khuyết tật là một trong những nhóm chịu tác động nhiều hơn cả, hạn chế tiếp cận với các nỗ lực cứu hộ trong thảm họa. 

Trước thiên tai ập đến bất ngờ, cùng với những đợt cứu trợ diễn ra trên khắp cả nước và với hỗ trợ từ USAID, ACDC đã cùng các đối tác địa phương gấp rút tiến hành đợt cứu trợ khẩn cấp để hỗ trợ các hộ gia đình có người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi bão lụt. Nguồn lực hạn chế, việc ưu tiên các huyện thiệt hại nặng nề nhất được đặt lên hàng đầu. Các huyện Đại Lộc, Thăng Bình, Duy Xuyên, Nông Sơn và Nam Trà My là những địa điểm được chọn. Mục tiêu đặt ra là trong thời gian ngắn nhất, với nỗ lực cao nhất, đảm bảo những gói hỗ trợ đến được tận tay những người cần nó nhất. 

Cùng lúc kế hoạch được đưa ra thì thời tiết xấu là một trở ngại lớn. Mưa lớn, các cơn bão vẫn đang rình rập, đường sá sạt lở liên tục, nhiều nơi vẫn ngập sâu, thậm chí có những ngôi làng đã bị cô lập, chia cắt trong một thời gian khá dài và phải di dời xây dựng lại nơi ở mới để đảm bảo an toàn cho người dân. Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp phải dời lại 10 ngày để đảm bảo an toàn cho tất cả. Tâm thế mong muốn hỗ trợ nhanh nhất cho những người khuyết tật đang gặp nạn bị cản trở bởi thời tiết khiến chúng tôi đứng ngồi không yên. Ngoài những trở ngại về thiên tai, chúng tôi còn đối mặt với rất nhiều vấn đề khác: lựa chọn địa điểm để phù hợp với từng đối tượng, sắp xếp lịch trình hợp lý trong điều kiện khối lượng công việc nhiều mà nhân sự mỏng; giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi theo tiêu chí đã được đưa ra; lựa chọn đơn vị cung cấp phù hợp khi hàng hóa trở nên khan hiếm… Tuy vậy, với tinh thần “muốn làm, ắt sẽ có cách”, chúng tôi hiểu rằng, hoạt động này có thành công và đem lại sự hỗ trợ kịp thời và thiết thực cho người khuyết tật hay không phụ thuộc rất lớn vào hai yếu tố: việc lên kế hoạch một cách cụ thể, kỹ lưỡng và huy động sự vào cuộc nhiệt tình và mạnh mẽ của các đối tác tại địa phương. 

Một bản kế hoạch, bao gồm cả việc dự phòng rủi ro, nhanh chóng được vạch ra. Chúng tôi gấp rút liên hệ đến các công ty cung cấp dịch vụ từ đồ dùng thiết yếu đến bình lọc nước, bàn ghế học sinh, sách giáo khoa… để lên phương án vận chuyển đến từng khu vực hỗ trợ. Các cuộc họp thống nhất giữa các bên tham gia diễn ra nhanh chóng với sự đồng thuận và nhất trí cao; công tác tiền trạm, khảo sát thực địa cũng được thực hiện theo đúng kế hoạch. Công việc tiền trạm đến từng nhà người khuyết tật cũng để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm. Thời tiết bất lợi, số lượng người cần rà soát lớn. Trên hết, cảnh làng mạc, nhà cửa tan hoang sau bão lụt, rất nhiều gia đình cần hỗ trợ nhưng suất quà có giới hạn khiến chúng tôi không khỏi đau lòng.

Các công tác chuẩn bị hoàn tất cũng là lúc đoàn cứu trợ đi đến từng nơi để hỗ trợ cho bà con. Công việc của chúng tôi bắt đầu từ 4 - 5 giờ sáng, đoàn xe nối đuôi nhau đến nơi cấp phát tập trung, sau đó chia thành từng nhóm nhỏ đi hỗ trợ từng hộ gia đình khó khăn nhất. Kết thúc khoảng thời gian cấp phát cũng đã hết ngày làm việc. Buổi tối là khoảng thời gian chúng tôi thực hiện công tác kiểm tra, sắp xếp hàng hóa lên xe để kịp cho sáng sớm hôm sau lên đường đến một địa điểm khác. Số lượng lớn, đường sá đi lại khó khăn, tuy nhiên với sự chuẩn bị kỹ càng, mọi việc diễn ra suôn sẻ và thành công tốt đẹp.

Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Trưởng ban quản lý dự án, Phó Giám đốc Sở LĐ – TB&XH tỉnh Quảng Nam cho biết: “Lúc đầu nghe chia sẻ về kế hoạch thực hiện, tôi thấy rất lo lắng vì thời gian quá gấp, công việc quá nhiều. Nhưng dự án đã vận động được đội ngũ hỗ trợ đắc lực, chuyên nghiệp và hoạt động đã thành công hơn tôi mong đợi”. Ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Nam cũng tâm đắc: “Các suất quà ý nghĩa quá. Đúng dịp mùa đông, bà con có thể lấy ra dùng ngay, rất là thiết thực.”

Những gương mặt hứng khởi, mong chờ của bà con cũng chính là động lực cho chúng tôi trong những ngày đi cứu trợ. 

“Với cô cháu nhà tôi, suất quà này giá trị lắm, nhất là cái bình lọc nước này, quý lắm cô ơi.”

“Tôi thấy các suất quà thiết thực lắm, vừa thực phẩm cần thiết, vừa có chăn, màn, gối và vật dụng nhà bếp nữa. Hữu ích cho người khuyết tật vô cùng.”

Những chia sẻ của người dân giúp chúng tôi càng mong muốn làm tốt hơn nữa, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa trong đợt cứu trợ này.

Đợt cứu trợ diễn ra thành công là kết quả nỗ lực của rất nhiều người, nhiều cá nhân đơn vị. Chúng tôi tin, dù vật chất không quá lớn, nhưng những món quà đã hỗ trợ kịp thời vật chất và cả tinh thần; giúp người khuyết tật khắc phục các khó khăn, sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai./.
 


0 bình luận

Bình luận thêm