Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Những bước tiến nhỏ cho sự thay đổi lớn

  • Thực hiện: Quý Nguyễn
  • 04/10/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 919

“Sau khi được tư vấn, tôi đã cố gắng suy nghĩ để tìm cách cải tạo nhà. Vì nhà cũng không có điều kiện để làm cho tốt nên tôi đi tìm tre sau mương nhà để làm thanh vịn lối ra nhà vệ sinh, tiện thể rào luôn cái vườn. Giờ vợ tôi đi lại cũng dễ dàng hơn, cám ơn dự án và các anh chị đã tư vấn cho gia đình biết.” (Chia sẻ của chồng chị V.N – người khuyết tật, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) 

Chị V.N là một người khuyết tật nặng, gia đình thuộc hộ nghèo, sống tại xã Quảng Nhâm của huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bị khuyết tật bẩm sinh, chị V.N đi lại rất khó khăn, cùng với đó là điều kiện nhà ở gây nhiều khó khăn và bất tiện cho việc di chuyển và sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, nhà vệ sinh bố trí xa nhà ở, lối đi ra nhà vệ sinh là đường đất gồ ghề, mùa mưa rất dễ bị trơn trượt và nguy cơ té ngã.

Lối đi ra nhà vệ sinh của gia đình chị V.N đã được bố trí các tay vịn 2 bên bằng các thanh tre có sẵn trong vườn

Tháng 7/2022, Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật, giai đoạn II” đã thực hiện hoạt động thăm nhà tại một số hộ gia đình người khuyết tật huyện A Lưới, trong đó có gia đình chị V.N. Một nhóm cán bộ tư vấn, bao gồm cán bộ Hội người khuyết tật, nhân viên trạm y tế và cán bộ chính sách xã hội của xã, dưới sự hỗ trợ của dự án, đã tiến hành đánh giá khả năng sống độc lập, đồng thời tư vấn, hướng dẫn cho gia đình chị V.N về các yếu tố để chị V.N có thể tự chủ và thuận tiện hơn trong các sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể, nhóm tư vấn đã hướng dẫn gia đình chị V.N bổ sung thêm các dụng cụ trợ giúp di chuyển; sắp xếp lại phòng bếp ngăn nắp và phù hợp với tình trạng khuyết tật của anh; cải tạo lối đi ra nhà vệ sinh để chị V.N dễ dàng sử dụng…

Tư vấn viên trao đổi với người nhà về sự thay đổi trong cách tiếp cận sinh hoạt cho người khuyết tật

Vào tháng 9/2022, khi nhóm tư vấn quay lại thăm nhà chị V.N lần thứ 2, những thay đổi tại gia đình chị khiến nhóm tư vấn rất vui mừng. Nhà ở và vườn đã được sắp xếp, bố trí lại gọn gàng và thuận tiện hơn cho việc đi lại của anh V.N. Đặc biệt, chồng chị V.N đã tận dụng tre có sẵn trong vườn để làm thành thanh vịn tại hai bên lối đi dẫn ra nhà vệ sinh. Những điều chỉnh này tuy nhỏ, nhưng phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình và giúp cho việc sinh hoạt của chị V.N trở nên thuận tiện và an toàn hơn rất nhiều, đồng thời cũng cho thấy sự thay đổi lớn trong nhận thức của gia đình chị V.N về sự tự chủ, tự tin và sống độc lập cho người khuyết tật.

Trường hợp của chị V.N chỉ là một trong số nhiều trường hợp khác tại ba tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế có những thay đổi tích cực sau khi được dự án tiến hành các chuyến thăm nhà về sống độc lập trong thời gian qua. Dựa trên việc đánh giá đối với mỗi trường hợp cụ thể, dự án đã đưa ra các tư vấn phù hợp và hữu ích (bao gồm tư vấn đồng cảnh giữa những người khuyết tật) để giúp người khuyết tật tăng cường khả năng sống độc lập. Các đánh giá và tư vấn này tập trung vào các yếu tố như các hoạt động chăm sóc sức khỏe, hoạt động sinh hoạt hàng ngày, các hoạt động xã hội, điều chỉnh môi trường nhà ở, các chế độ, chính sách có liên quan…Nhờ đó, những tín hiệu đáng mừng đã xuất hiện. Người khuyết tật đã có những đổi thay trong đời sống hàng ngày, trở nên tự chủ và độc lập hơn. Có thể kể thêm một số trường hợp như chị V ở huyện Gio Linh (Quảng Trị), từ một người rất thụ động trong mọi công việc hàng ngày, phụ thuộc hết vào con trai và em gái, ít kết giao với hàng xóm xung quanh, thì nay đã trở nên tích cực và chủ động hơn, tự làm một số công việc hàng ngày (như mua sắm thức ăn, nấu nướng, cho gà ăn…), thỉnh thoảng dùng gậy chống để đi chơi nhà hàng xóm…Trường hợp anh V.T ở huyện Phú Ninh (Quảng Nam), là một người khuyết tật sử dụng xe lăn nhưng điều kiện nhà ở lại gây nhiều bất tiện với nhiều bậc, gờ trên các lối đi. Sau khi được dự án cung cấp các hướng dẫn, gia đình anh đã cải tạo lại sân và lối đi cho phù hợp hơn với xe lăn. Trường hợp chị H.T.V ở huyện Gio Linh (Quảng Trị), gia đình thuộc hộ nghèo; trước đó gia đình chị không nắm được chính sách hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho người khuyết tật nuôi con dưới 36 tháng tuổi; sau khi được nhóm tư vấn hướng dẫn các thủ tục và kết nối với chính quyền địa phương, hiện nay, gia đình chị đã được nhận thêm khoản kinh phí hỗ trợ này, phần nào giảm bớt những khó khăn về mặt kinh tế.

Nhóm tư vấn viên đánh giá ghi nhận kết quả tích cực về sống độc lập và tự chủ của người khuyết tật trong việc thay đổi môi trường sinh hoạt phù hợp

Hoạt động “Thăm nhà về sống độc lập” nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật, giai đoạn II” do ACDC thực hiện, dưới sự tài trợ của USAID. Thông qua hoạt động này, những bước tiến dù nhỏ nhưng đã được ghi nhận, người khuyết tật trở nên tự chủ và độc lập hơn trong chính ngôi nhà của họ, tạo tiền đề cho sự tham gia tích cực và hiệu quả của người khuyết tật vào các hoạt động xã hội. Đóng góp quan trọng vào sự thay đổi trên là một quá trình phối hợp chặt chẽ giữa ACDC cùng với Ban quản lý dự án các tỉnh để xây dựng năng lực cho các thành viên của Hội người khuyết tật các cấp và các ban ngành liên quan trong lĩnh vực người khuyết tật như: y tế, lao động thương binh xã hội … về sống độc lập và tiếp cận vật lý, để từ đó chính họ sẽ là những thành viên nòng cốt chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động thăm nhà, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn cho người khuyết tật về sống độc lập.


0 bình luận

Bình luận thêm