Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quảng Nam: Khánh thành nhà trung chuyển thứ hai tại tỉnh

  • Thực hiện: Minh Trần
  • 06/12/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1216

Sáng ngày 6/12, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (gọi tắt là Viện ACDC) phối hợp cùng Ban quản lý Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật – Giai đoạn II” tỉnh Quảng Nam tổ chức khánh thành Nhà trung chuyển lần thứ hai tại tỉnh. Hoạt động do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Các quý vị đại biểu tham dự Lễ khánh thành Nhà trung chuyển lần thứ hai tại tỉnh

Tham dự lễ khánh thành có bà Lê Thị Thúy Hương, đại diện USAID Việt Nam; bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC; bà Đoàn Thị Hoài Nhi, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, Trưởng ban quản lý dự án; ông Dương Ngọc Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh; ông Dương Đức Lin, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước; ông Hứa Quốc Dũng, Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh; ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước. Bên cạnh đó, sự kiện còn có sự tham gia của đông đảo đại diện các phòng, ban tại huyện, cán bộ trung tâm y tế và người khuyết tật, người bệnh tại huyện, các cơ quan thông tấn báo chí.

Quanh cảnh mô hình Nhà trung chuyển lần thứ hai tại tỉnh

Nhà trung chuyển được xây dựng trong khuôn viên Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước. Đây là công trình thứ hai tại tỉnh sau Nhà trung chuyển tại Trung tâm y tế huyện Thăng Bình và là công trình Nhà trung chuyển thứ năm trên cả nước theo mô hình này. Nhà trung chuyển được khảo sát, lên ý tưởng thiết kế từ tháng 4/2022 và bắt đầu xây dựng vào tháng 8/2022. Quá trình khảo sát, đánh giá, lựa chọn và hoàn thiện mô hình nhà trung chuyển đã được thực hiện thông qua các cuộc tham vấn, trao đổi với các cơ quan chuyên môn các chuyên gia độc lập. Mục tiêu cao nhất chính là đảm bảo nhà trung chuyển đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về y tế và yêu cầu kỹ thuật xây dựng, giúp người bệnh tiếp cận được tối đa và hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC phát biểu về quá trình xây dựng Nhà trung chuyển lần thứ hai tại tỉnh dành cho người khuyết tật

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC, cho biết: Nhà trung chuyển đã được chúng tôi áp dụng đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2019 và đã mang lại hiệu quả tích cực. Tại Quảng Nam, đây là mô hình nhà trung chuyển thứ hai được xây dựng tại tỉnh, sau Nhà trung chuyển tại Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình được khánh thành tháng 6 năm 2020. Chúng tôi hy vọng, mô hình sẽ hỗ trợ đắc lực cho người bệnh, người khuyết tật trong phục hồi chức năng. Đồng thời, đây cũng sẽ là mô hình để người khuyết tật hoặc gia đình của họ tham khảo, học tập để thay đổi môi trường sống phù hợp hơn cho người khuyết tật.

Ông Dương Ngọc Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh bày tỏ vui mừng và hoan nghênh về sự ra đời của mô hình Nhà trung chuyển lần thứ hai tại tỉnh

Tại lễ khánh thành, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước chia sẻ: Trong thời gian tới Trung tâm Y tế xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác phục hồi chức năng, đặc biệt công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; tăng cường công tác phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, cải thiện chất lượng cuộc sống người khuyết tật. Từ đó, giúp cho người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế và dịch vụ công cộng, có thể hòa nhập tham gia bình đẳng các hoạt động xã hội, phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà trung chuyển lần thứ hai 

Mô hình Nhà trung chuyển đã được xây dựng và áp dụng tại nhiều nước phát triển trên thế giới. Đây là mô hình giúp cho người bệnh, người khuyết tật có cơ hội thực hành các chức năng sinh hoạt hàng ngày trước khi trở về gia đình và cộng đồng, để tái hòa nhập một cách độc lập. Các hoạt động thực hiện trong Nhà trung chuyển tập trung vào thực hành thành thục các chức năng sinh hoạt cơ bản mà trước đó đã được tập luyện phục hồi chức năng như: di chuyển, tự mặc quần áo, ăn uống, nấu ăn, vệ sinh cá nhân và các hoạt động tham gia cộng đồng khác.

Một buổi tham quan mô hình Nhà trung chuyển lần thứ hai 

Nhà trung chuyển được xây dựng theo 5 khu vực gồm: khu vực di chuyển chung, bếp và ăn uống, vệ sinh, phòng ngủ và khu vực dành cho các hoạt động sinh hoạt chung như khu vực phòng khách, khu vực giải trí và luyện tập. Công trình cũng được trang bị các vật dụng nhỏ để người bệnh tự chăm sóc và thực hành các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như dụng cụ nhà bếp (bộ đồ ăn, đồ vệ sinh, vải), các thiết bị hỗ trợ cho việc di chuyển (xe lăn), các thiết bị định vị (ghế ngồi tắm)...

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Như vậy, đã có 5 nhà trung chuyển trên toàn quốc đã khánh thành và đưa vào sử dụng. Hy vọng, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trong tương lai với những hiệu quả tích cực mà mô hình mang lại.


0 bình luận

Bình luận thêm