Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Nhà trung chuyển - mô hình đầu tiên tại Việt Nam

  • Thực hiện: admin
  • 22/12/2022
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1353

“Ngôi nhà này rất tiện lợi, tất cả các vật dụng đều được thiết kế ở tầm thấp, phù hợp cho người đi xe lăn sử dụng nên tôi làm khá dễ dàng. Ở trong nhà trung chuyển, tôi được luyện tập thực tế các công việc hàng ngày như vo gạo nấu cơm, nhặt rau, rửa bát, di chuyển từ xe lăn vào giường… Vì vậy, khi về nhà, tôi thích nghi khá nhanh với các công việc cá nhân tại nhà.”

Đó là chia sẻ của chị Đặng Thị Ngọc Sơn, là một người bệnh, người khuyết tật sau khi được trải nghiệm sống tại Nhà trung chuyển thuộc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lễ khánh thành Nhà trung chuyển tại Quảng Trị

Nhà trung chuyển còn được gọi là mô hình phục hồi chức năng (PHCN) trước khi về cộng đồng, là mảnh ghép còn thiếu giúp kết nối và phát huy hiệu quả giữa PHCN tại bệnh viện với PHCN dựa vào cộng đồng. Kết hợp giữa hai lĩnh vực là tiếp cận vật lý và chăm sóc sức khỏe, Nhà trung chuyển mô phỏng lại một căn nhà thông thường với đầy đủ các phòng chức năng và đồ dùng, phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Luyện tập trong môi trường “giống như ở nhà thực sự”, Nhà trung chuyển là nơi giúp người bệnh, người khuyết tật làm quen, thích nghi và sống độc lập trước khi tái hòa nhập cộng đồng. Việc xây dựng và vận hành Nhà trung chuyển là ý tưởng độc đáo và mới lạ trong dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” do ACDC thực hiện dưới sự tài trợ của USAID.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng ACDC cùng lãnh đạo trao đổi với người hưởng lợi của dự án về quá trình tập luyện PHCN tại Nhà trung chuyển

Nói về sự ra đời của mô hình Nhà trung chuyển, chị Minh Tâm, điều phối viên dự án của ACDC cho biết: “Khi có ý tưởng xây dựng một mô hình như vậy, chúng tôi (ACDC và chuyên gia) đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu các tài liệu. Song tìm hiểu qua tài liệu không đủ, chúng tôi trực tiếp tham quan thực tế các mô hình ở nước ngoài, cũng như trao đổi trực tiếp với các giám đốc bệnh viện, các bác sĩ, kỹ thuật viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động trị liệu, sống độc lập tại các quốc gia này. Tại Thái Lan và Singapore, tên gọi của mô hình cũng có sự khác nhau như Phòng Định hướng Sống độc lập (Toward Independent Living Room), Phòng Sống độc lập (Independent Living Room), Nhà Sống độc lập (Independent Living House)... Bên cạnh việc học hỏi các quốc gia có nền y tế phát triển, nhóm cũng tham khảo mô hình Phòng thực hành hoạt động trị liệu được phát triển ở tại Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Tất cả là tư liệu vô cùng quý cho chúng tôi phát triển mô hình sau này.”

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng ACDC và các cán bộ y tế kiểm tra sử dụng tủ gỗ phù hợp với người khuyết tật

Việc phát triển mô hình và đưa vào sử dụng Nhà trung chuyển tại các bệnh viện trải qua nhiều giai đoạn khác nhau: bắt đầu từ việc xây dựng mô hình, xây dựng tiêu chí lựa chọn cơ sở y tế, khảo sát thực tế, trao đổi với bệnh viện địa phương cho đến tiến hành giám sát xây dựng, cải tạo và đưa vào sử dụng. Tất cả các công đoạn đều được thực hiện trên sự đồng thuận và thống nhất cao giữa Ban quản lý dự án, Sở Y tế cho đến các Trung tâm y tế, bệnh viện. Tại 03 tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, 04 cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện được lựa chọn và đồng hành cùng dự án để thiết lập mô hình.

Người khuyết tật được cán bộ y tế hướng dẫn tiếp cận sử dụng nhà bếp 

Mô hình Nhà trung chuyển dần dần được hiện thực hóa từ ý tưởng. Trong quá trình xây dựng, không phải lúc nào công việc cũng diễn ra suôn sẻ, các đơn vị thi công cũng thực hiện theo đúng thiết kế. Nhưng nhờ sự giám sát chặt chẽ, đảm bảo quy trình và tiêu chí, 100% các mô hình Nhà trung chuyển tại địa phương được hoàn thiện và đảm bảo tiêu chí về độ dốc, độ rộng cửa, độ rộng hành lang, chiều cao bàn bếp, chiều cao bàn ăn, khoảng không gian thông thủy... Quá trình thiết lập này cũng đã thay đổi nhận thức về vấn đề tiếp cận của chính các đơn vị xây dựng ở địa phương. Có thể nói, đây là lần đầu tiên các đơn vị này thi công một công trình đảm bảo tiếp cận toàn diện cho người khuyết tật, với những chi tiết đặc thù nhưng không kém phần sáng tạo. Nhiều đơn vị sau quá trình trao đổi, điều chỉnh, chính họ đã tự thiết kế những đồ dùng mà không có sẵn trên thị trường như đèn báo động, tay nắm tủ, công tắc đèn... Một số cán bộ phụ trách công trình chia sẻ rằng họ sẽ ghi nhớ và áp dụng những yêu cầu về tiếp cận này ở những công trình khác của họ.

Người khuyết tật được cán bộ y tế hướng dẫn tập luyện PHCN ở Nhà trung chuyển tại Trung tâm y tế huyện Thăng Bình, Quảng Nam

Với nỗ lực của các bên, mô hình Nhà trung chuyển đã dần dần được hình thành. Từ tháng 12/2019 cho đến tháng 07/2020, 04 Nhà trung chuyển tại Trung tâm y tế huyện Phú Vang, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; Bệnh viện YHCT-PHCN tỉnh Quảng Trị và Trung tâm y tế huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã đi vào hoạt động. Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, Nhà trung chuyển tại các cơ sở y tế này đã tiếp nhận được hơn 100 người bệnh, người khuyết tật điều trị nội trú và ngoại trú sau hơn một năm đi vào hoạt động. Mô hình không chỉ hỗ trợ quá trình hòa nhập cộng đồng của người bệnh, người khuyết tật mà còn giúp chính người khuyết tật và gia đình của họ hiểu rõ những điểm cần cải thiện ở môi trường sống, để người khuyết tật có thể phát triển tối đa các chức năng sinh hoạt hàng ngày. Nhờ việc trải nghiệm thực tế môi trường đảm bảo tiếp cận và phù hợp, người bệnh và gia đình họ hiểu rõ hơn những yếu tố cần thiết để người bệnh có thể độc lập một cách tối đa và giảm được gánh nặng đối với gia đình.

Với những kết quả tích cực bước đầu, mô hình Nhà trung chuyển đã được Bộ y tế và các cơ sở y tế ghi nhận tính hiệu quả đối với người bệnh, người khuyết tật. Các cam kết nhân rộng mô hình trong tỉnh thí điểm và lời đề nghị thực hiện của các tỉnh khác đã một lần nữa ghi nhận sự thành công của mô hình này tại Việt Nam.


0 bình luận

Bình luận thêm