Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quảng Ngãi lần đầu tiên tổ chức Đại hội người khuyết tật

  • Thực hiện: Phạm Linh
  • 30/11/2016
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 937

Sáng 30.11, UBND tỉnh Quảng Ngãi và Ban vận động thành lập Hội Người khuyết tật tỉnh tổ chức Đại hội Đại biểu Người khuyết tật tỉnh lần thứ I nhiệm kì 2016-2021.

Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đại hội Người khuyết tật, đánh dấu sự ra đời cho một tổ chức hội có ý nghĩa quan trọng với một trong những nhóm người dễ bị tổn thương.

48.000 mảnh đời không may mắn

Trần Tuấn Kiệt (sn 1983) sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Trung Lý, xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ. Năm 3 tuổi, anh mắc chứng teo cơ, đôi chân đang lành lặn phải chịu những cơn đau đớn rồi co rút dần. Bi kịch chưa dừng lại ở đó khi 5 năm sau, người em trai cũng mắc bệnh giống anh. 

Thế nhưng vượt lên đôi chân tật nguyện, Kiệt liên tục đạt kết quả học tập cao vào thi đậu vào một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh, sau đó về quê theo học trường Cao đẳng Cộng đồng Quảng Ngãi.

Nhưng khi cánh cửa tri thức rộng mở với anh, thì cánh cửa vào đời vẫn rất chật hẹp, bởi việc làm với người lành lặn đã khó, thì với người khuyết tật còn khó hơn. Bằng nghị lực và cả may mắn, anh bây giờ là một thầy giáo tại nhà của rất nhiều học sinh, một địa chỉ uy tín của các bậc phụ huynh khi muốn gửi gắm con học thêm, củng cố kiến thức.

Hoàn cảnh của anh Kiệt là một trong 48.000 khuyết tật ở Quảng Ngãi, chiếm 3.9% dân số toàn tỉnh. Trong đó số, 20% người khuyết tật không biết chữ, 50% có trình độ tiểu học, hầu hết người khuyết tật chưa được đào tạo nghề. Những con số đáng buồn đó một phần là di chứng của hàng ngàn tấn bom, đạn đã và chất độc đã trút xuống trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Không có việc làm và sống phụ thuộc vào gia đình từ những việc nhỏ nhất, nhiều người khuyết tật trở nên tự ti, mặc cảm, mang cảm giác lẻ loi giữa cộng đồng. Họ có nhu cầu tìm đến nhau để chia sẻ với những người giống mình, nâng đỡ nhau để tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, nói lên tiếng nói của mình. 

Trong những năm qua, nhiều hội nhóm nhỏ lẻ của người khuyết tật đã nhen nhóm hình thành. Nhưng một tổ chức như Hội người khuyết tật của tỉnh, hoạt động chính thức dưới sự điều chỉnh của pháp luật vẫn nằm trong mong mỏi của nhiều người.

Ấp ủ điều này, Trần Tuấn Kiệt cùng một nhóm nhỏ khoảng 7 thành viên đã kết nối với nhau để thành lập Ban vận động Thành lập người khuyết tật tỉnh. Họ đến nơi hẹn hò bằng những chiếc xe lăn để lên kế hoạch, lập dự án, xin giấy phép...Đến ngày 22.9.2016, UBND tỉnh có quyết định cho phép thành lập Hội người khuyết tật tỉnh, đáp ứng mong mỏi của hàng nghìn người không may mắn.

Chú trọng đào tạo nghề, giúp người khuyết tật tự chủ

Từ cánh gà, chiếc xe lăn lăn bánh về giữa sân khấu, ngồi trên xe lăn là Lê Thị Hồng Yến, một giáo viên dạy tiếng Anh cũng bị khuyết tật từ nhỏ sau một trận sốt bại liệt. Mấy hôm trước, cô còn tất bật cùng các thành viên Ban vận động chuẩn bị cho đại hội này. Hôm nay, cô xuất hiện với vai trò MC.

Lần đầu tiên có một đại hội mà từ người tổ chức, người dẫn chương trình đến các đại biểu là rất nhiều người khuyết tật.

Bên cánh gà là "phiên dịch viên" dùng ngôn ngữ kí hiệu dịch lại cho những người khiếm thính bên dưới. Trong khi đó, dưới hội trường cũng có một "phiên dịch viên" dùng ngôn ngữ kí hiệu để phiên dịch cho một thành viên Ban vận động đang ngồi trên sân khấu. 

Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Đặng Huỳnh Mai, nguyên thứ trưởng Bộ giáo dục, Chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam xúc động: " Tôi rất ấn tượng khi đại hội đầu tiên của chúng ta có phiên dịch viên ngôn ngữ kí hiệu để người khiếm thính tham, đây là điểm khác biệt với những tỉnh thành khác".

Trước sự có mặt của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan, bà Đặng Huỳnh Mai đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh với việc thành lập hội người khuyết tật. 

So sánh giữa việc đi xe buýt ưu tiên hay xe buýt trả phí, bà Mai cho rằng việc ưu tiên cho người khuyết tật là cần thiết nhưng nếu người khuyết tật có thể tự trả tiền xe buýt thì sẽ cảm thấy được tôn trọng hơn, qua đó nhấn mạnh đến việc kiến tạo việc làm cho người khuyết tật để họ khẳng định bản thân, đóng góp cho cộng đồng.

Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Dũng cho rằng cần "giảm ngôn từ hoa mỹ, tăng hành động cụ thể" vì người khuyết tật, giúp người khuyết tật thực hiện được ước mơ, hoài bão, thể hiện tính tự chủ của mình.

"Tôi đã tham dự rất nhiều lễ khai giảng. Nhưng mới đây, khi tham dự lễ khai giảng ở trường Võ Hồng Sơn, tôi đã bật khóc. Người lành lặn cố gắng, nỗ lực một thì người khuyết tật như các em phải nỗ lực mười", Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Dũng xúc động nói. 

"Trách nhiệm phải xuất phát từ yêu thương thì mới nồng ấm", Phó Chủ tịch đúc kết. Qua đó, ông đề nghị Hội Người khuyết tật tỉnh kiến nghị những vấn để vướng mắc, các sở, ngành liên quan quan tâm xem xét.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Dũng yêu cầu xem xét sắp xếp lại các nhà công vụ để bố trí trụ sở hoạt động cho hội và yêu cầu cụ thể hoá chỉ đạo này bằng văn bản.

Mong muốn hoạt động của Hội Người khuyết tật tỉnh vững mạnh và lan toả, Phó Chủ tịch nhấn mạnh phải có mạng lưới ở 14/14 huyện, thành phố trong tỉnh chứ không chỉ 7/14 như trong phương hướng hoạt động của hội từ 2016-2021.

Những lời phát biểu của lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo Liên hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam tiếp thêm không khí vui vẻ, ấm áp cho hội trường. Tiếp đó là những phát biểu mang nhiều chia sẻ của những nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ cũng như đại diện hội Người khuyết tật tỉnh bạn. Tất cả cùng chúc cho hoạt động của Hội Người khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi đạt được nhiều thành công trong thời gian tới.


0 bình luận

Bình luận thêm