Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Đà Nẵng: Tọa đàm phòng chống phân biệt đối xử với trẻ khuyết tật

  • Thực hiện: Linh Chi
  • 31/03/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1135

Ngày 30/3/2023, Viện ACDC phối hợp cùng Hội người khuyết tật thành phố Đà Nẵng đã tổ chức “Tọa đàm phòng chống phân biệt đối xử với trẻ khuyết tật” tại thành phố Đà Nẵng. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Phòng chống Bạo lực thể chất, tinh thần và Phân biệt đối xử đối với Trẻ khuyết tật” (viết tắt là dự án: AVAC) được tài trợ bởi bởi Tổ chức Cứu trợ trẻ em Hồng Kông và sự điều phối của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam.

Quang cảnh các đại biểu tham dự buổi tọa đàm Phòng chống phân biệt đối xử với trẻ khuyết tật

Phân biệt đối xử là một vấn đề nghiêm trọng mà trẻ em khuyết tật (TEKT) phải đối mặt trong xã hội. Trẻ khuyết tật thường bị phân biệt đối xử trong các lĩnh vực như giáo dục, việc làm, giao thông công cộng và các dịch vụ công cộng khác. Điều này gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển và hòa nhập của trẻ. Chính vì vậy, tọa đàm là cơ hội để tham vấn ý kiến của các tổ chức xã hội, mạng lưới cha mẹ và cơ quan nhà nước về vấn đề bạo lực, phân biệt đối xử với trẻ khuyết tật trong gia đình, nhà trường, trên không gian mạng. Các kết quả, khuyến nghị của Tọa đàm được kỳ vọng sẽ là thông tin hữu ích cho các báo cáo liên quan đến trẻ khuyết tật, đặc biệt là Báo cáo theo Kết luận của Ủy ban quyền trẻ em của Liên hợp quốc khuyến nghị thực hiện theo CRC do Cục trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì.

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình bày những nội dung khuyến nghị về Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc

Chương trình có sự tham gia của Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa - Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia; Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD); Bà Đàm Việt Hà, Phó Viện trưởng, Viện ACDC; Ông Trương Công Nghiêm; Chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Đà Nẵng; Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Sở Lao Động Thương Binh Xã hội TP Đà Nẵng; Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương - P.CTNB Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng; Bà Nguyễn Thị Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng; các đại diện từ các trường chuyên biệt, trường hòa nhập dành cho trẻ em khuyết tật, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, các chuyên gia độc lập làm việc trong lĩnh vực trẻ em, các đơn vị thành viên trực thuộc Hội người khuyết tật thành phố, các cha mẹ trẻ khuyết tật…

Bà Đàm Việt Hà, Phó Viện trưởng ACDC chia sẻ thông tin và đánh gia các hoạt động hỗ trợ chính sách phòng chống bạo lực, phân biệt đối xử với trẻ khuyết tật

Phát biểu khai mạc, bà Đàm Việt Hà, Phó Viện trưởng ACDC chia sẻ: “Thông qua buổi tọa đàm ngày hôm nay, chúng tôi mong muốn đây sẽ là dịp để các bên liên quan được trao đổi và chia sẻ và tìm ra những hướng đi, giải pháp để có thể hỗ trợ trẻ khuyết tật tốt hơn, để trẻ được bảo vệ, được bình đẳng và hòa nhập vào cộng đồng.” Bà cũng đánh giá các chính sách phòng chống bạo lực, phân biệt đối xử đối với trẻ khuyết tật đã khá là hoàn thiện, đồng thời Nhà nước cũng có rất nhiều nỗ lực để trẻ em khuyết tật có một cuộc sống an toàn và bình đẳng. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế vẫn còn một số khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự chung tay góp sức của các bên liên quan.

Các đại biểu, lãnh đạo cơ quan và cán bộ cùng chụp ảnh lưu niệm

Một trong những đề xuất nhận được sự đồng ý của các đại biểu chính là đề xuất cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật 2010: Khẳng định rõ quan điểm, giải pháp đặc thù trong phòng chống bạo lực đối với trẻ em khuyết tật; Cần nghiên cứu rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng; Cần đặc biệt lưu ý lồng ghép giải pháp đặc thù nhằm phòng, chống bạo lực đối với TEKT trong triển khai Bộ quy tắc ứng xử về phòng chống bạo lực trên môi trường mạng đối với trẻ em thuộc phạm vi trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức (lồng ghép trong nội quy/bộ quy tắc ứng xử… của cơ quan, tổ chức); Nghiên cứu rà soát, bổ sung một số trường thông tin thống kê về bạo lực đối với TEKT tại các chỉ tiêu thống kê về tình hình bạo lực trẻ em, bạo lực gia đình trong một số văn bản quy phạm pháp luật về thống kê hiện nay; Tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực trẻ em đối với trẻ em, cha mẹ trẻ, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục hòa nhập, cán bộ chính quyền cơ sở và cộng đồng… Ngoài ra còn rất nhiều các đề xuất thiết thực khác xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương, đây là những đề xuất tâm huyết của các cơ quan nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực trẻ em gái khuyết tật, để trẻ em khuyết tật được sống trong một xã hội an toàn, văn minh hơn.

Nhà tâm lý, MC Lê Hương Giang bày tỏ mong muốn cần có những giải pháp về mặt truyền thông nhằm tăng cường nâng cao nhận thức về Quyền của trẻ em khuyết tật

Nhà tâm lý, MC Lê Hương Giang cũng chia sẻ dưới vai trò là người làm truyền thông: “Hiện nay, thông tin về trẻ em khuyết tật còn ít, nguồn thông tin về cuộc sống và hiện trạng của trẻ khuyết tật là không nhiều. Truyền thông về bạo lực, phân biệt đối xử với trẻ em khuyết tật còn hạn chế. Bên cạnh đó, tôi mong thông điệp về người khuyết được thể hiện thống nhất trên các nền tảng truyền thông. Hạn chế những hình ảnh bi thương, tiêu cực về người khuyết tật, cần đẩy mạnh các hình ảnh tích cực, vui vẻ, hạnh phúc về cuộc đời của những người khuyết tật”.

Trong thời gian tới, các bên có liên quan tiếp tục duy trì, phối hợp và đưa ra những giải pháp phù hợp để góp phần thực thi các chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật.


0 bình luận

Bình luận thêm