Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Hội thảo tham vấn và họp nhóm kĩ thuật về “Hướng dẫn tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát cho lĩnh vực đường bộ”

  • Thực hiện: Hồng Huế
  • 28/05/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 459

Hướng dẫn tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát cho lĩnh vực đường bộ (gọi chung là Hướng dẫn) đã được ACDC và Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải (TDSI) xây dựng dự thảo thông qua 02 cuộc họp kĩ thuật, khảo sát tham vấn tại các tỉnh/thành phố cả nước từ tháng 9/2022. Đến nay, dự thảo đã được xin ý kiến 63 Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tại các địa phương tại Văn bản số 3793/BGTVT-VT ngày 17/04/2023 và đã nhận được ý kiến của 42 đơn vị. Để hoàn thiện Hướng dẫn này đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và có tính ứng dụng thực tế tại Việt Nam, ACDC kết hợp cùng TDSI tổ chức Hội thảo tham vấn và họp nhóm kĩ thuật lần 3 về “Hướng dẫn tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát cho lĩnh vực đường bộ” trong các ngày 26-  27/05/2023 tại TP. Hội An, Quảng Nam. Các hoạt động này trong khuôn khổ dự án "Tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế cho người khuyết tật - giai đoạn II" do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Tham dự các sự kiện này có đại diện từ các cơ quan, ban ngành từ trung ương (Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải), Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Trường Đại học Giao thông Vận tải, TDSI và ACDC đến các Sở GTVT, doanh nghiệp vận tải và Hội người khuyết tật của 8 tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng miền. Hội thảo tham vấn và họp nhóm kỹ thuật đã ghi nhận các đóng góp ý kiến cho Hướng dẫn tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát về các vấn đề chính: nội dung tiêu chí theo các nhóm kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông tiếp cận và chính sách dịch vụ giao thông; hướng dẫn chấm điểm đánh giá mức độ giao thông tiếp cận.

Sau Hội thảo tham vấn và họp nhóm kĩ thuật, đa số các đại biểu cho rằng Hướng dẫn là cần thiết và cần được ban hành sớm trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia Hội thảo và Sở GTVT các tỉnh. Việc áp dụng Hướng dẫn này, ngoài phục vụ đánh giá mức độ giao thông tiếp cận của các địa phương còn có tính ứng dụng thực tế cho công tác xây dựng kế hoạch nâng cấp, cải tạo, xây mới các công trình giao thông (bến xe, điểm đầu cuối, trạm xe buýt, phương tiện giao thông công cộng.....) cũng như việc triển khai các chính sách trợ giúp người khuyết tật tại các địa phương nói riêng và thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông tiếp cận phổ quát tại Việt Nam nói chung.


0 bình luận

Bình luận thêm