Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Từ tự ti đến tự tin

  • Thực hiện: Trần Nhung
  • 29/05/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1183

“Trước đây em cảm thấy buồn nhiều vì ít được giao tiếp và bị cô lập giữa bạn bè, gia đình do hạn chế về ngôn ngữ. Nay em chủ động chia sẻ các kiến thức đã học cho bạn bè và gia đình để giúp các bạn biết bày tỏ ý kiến và ba mẹ của em hiểu rõ hơn về quyền của trẻ em và tôn trọng ý kiến của em hơn”.

Nếu gặp Vũ Quốc Anh bây giờ không ai có thể tin được cậu bé người điếc sôi nổi, tự tin trước mắt mới nửa năm trước còn là cậu bé luôn rụt rè, không bao giờ dám tham gia hoạt động chung của trường lớp.

Em Vũ Quốc Anh (người Điếc), hiện đang lớp 7 tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng

Vũ Quốc Anh là một trẻ điếc năm nay học lớp 7 tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Hạn chế giao tiếp do khuyết tật mang lại cùng với tâm lý mặc cảm tự ti khiến em không bao giờ dám bày tỏ ý kiến. Mọi chuyện chắc sẽ mãi như vậy nếu như không có sáng kiến thành lập nhóm sinh hoạt về quyền trẻ em, nơi em và các bạn ở trường chuyên biệt và hòa nhập cùng học tập về chủ đề này.

Nhóm sinh hoạt được khởi nguồn từ ý tưởng của các em khuyết tật trong lớp tập huấn về quyền trẻ em. Các em có mong muốn thành lập một nhóm có cả trẻ khuyết tật và không khuyết tật học tập cùng nhau. Từ sự hỗ trợ của thầy cô, của dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử đối với trẻ khuyết tật” (do Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng thực hiện dưới sự tài trợ của tổ chức Cứu trở trẻ em Hồng Kông và sự điều phối của tổ chức Cứu trở trẻ em Việt Nam), Quốc Anh và 23 bạn khác (gồm cả trẻ khuyết tật và không khuyết tật) đã xây dựng được cho nhóm kế hoạch hoạt động. Các em đã tự chuẩn bị nội dung và tổ chức 9  buổi sinh hoạt về chủ đề quyền trẻ em.

Bản thân em tích cực tham gia cùng nhóm về "Cuộc thi Tìm hiểu về Quyền của trẻ em" với bức tranh Ngôi nhà của em

Thời gian đầu, việc sinh hoạt nhóm gặp khá nhiều khó khăn, Minh Phương - một thành viên trong nhóm nòng cốt chia sẻ “Lịch học của chúng em không trùng nhau nên rất khó sắp xếp các buổi sinh hoạt. Các bạn cũng thuộc nhiều dạng tật nên nhiều khi chúng em không hiểu nhau đang nói gì, lại bất đồng ý kiến nữa”. Khó khăn dần dần cũng được giải quyết bằng việc lắng nghe nhau và cùng lên kế hoạch. Quốc Anh, với vai trò là trưởng nhóm, đã chủ động phân công nhiệm vụ phù hợp với từng dạng tật của các bạn, mạnh dạn chia sẻ lại kiến thức trong nhóm. Các em học sinh khác khi thấy được ý nghĩa của nhóm sinh hoạt đều tham gia hăng hái và tích cực. Không chỉ sinh hoạt nhóm, các em còn chủ động tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu về quyền của trẻ em. Ở đây, các em được học thêm nhiều kiến thức mới, được tự do thể hiện quan điểm, ý kiến của mình về quyền tham gia, quyền được bảo vệ thông qua các tiết mục hát và kịch do chính các em dàn dựng và thể hiện.

 “Khi tham gia hoạt động em được biết thêm nhiều kiến thức mới mẻ, hữu ích, làm quen với nhiều bạn mới, được làm việc theo nhóm và cùng tham gia Cuộc thi, bản thân em có đã từng bước tiến bộ. Em mong dự án tiếp tục có thêm nhiều hoạt động để em và các bạn khuyết tật khác được tham gia đóng góp ý kiến, có nhiều sáng kiến hay và kết nối với các cha mẹ để cùng nhau tìm hiểu rõ hơn về những quyền của trẻ em”, Quốc Anh hào hứng chia sẻ lại sau khi Cuộc thi kết thúc.

Anh Minh Sang (Bố của em Vũ Quốc Anh, áo xanh, góc bên trái) tham gia "Tập huấn về Quyền trẻ em cho cha mẹ/ người chăm sóc trẻ khuyết tật"

Sáng kiến của Quốc Anh và các bạn không chỉ mang lại nhiều ý nghĩa đối với trẻ em mà còn có tác động tích cực đến cha mẹ và thầy cô trong trường. Anh Minh Sang - ba Quốc Anh dù việc buôn bán bận rộn nhưng anh luôn sẵn sàng tham gia các hoạt động của dự án. Anh chia sẻ “Sau khi đi tập huấn, sinh hoạt nhóm về, tôi thấy con dạy lại quyền tham gia của trẻ với em gái, lại nghe con bày tỏ ý kiến của mình nên tôi hiểu rằng đây là hoạt động rất có ích đối với con. Vì vậy, ngay khi trường có thông báo về tập huấn cho cha mẹ về quyền trẻ em, tôi đăng ký tham gia liền luôn. Tôi muốn có thêm kiến thức quyền trẻ em để biết cách tôn trọng và bảo vệ con”.

Em Quốc Anh nhiệt tình phối hợp với giáo viên tham gia cuộc thi Hội trại "Tiếng nói của chúng em"

Đối với các thầy cô, sáng kiến của trẻ còn là cơ hội để các thầy cô hiểu thêm về nguyện vọng của trẻ để từ đó có cách hỗ trợ trẻ phù hợp hơn. Cô Đỗ Quyên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng chia sẻ trong Hội thảo báo cáo kết quả năm nhất của dự án: “Trong các hoạt động, Trung tâm nhận được rất nhiều hỗ trợ từ dự án cả về kiến thức và kỹ năng tổ chức các hoạt động về chủ đề quyền trẻ em. Học sinh tham gia rất vui vì đây là hoạt động đầu tiên về quyền trẻ em có sự kết hợp giữa trẻ khuyết tật và không khuyết tật. Các em có cơ hội thể hiện khả năng của mình, nói lên tiếng nói của mình, đưa ra những đề xuất để giáo viên hiểu các em hơn”.

Em Quốc Anh tự tin và hòa nhập tốt hơn với các bạn và thầy cô trong nhóm

Như vậy, không chỉ Quốc Anh mà còn rất nhiều các em khác đang dần thay đổi tích cực hơn. Đây đều là thành công bước đầu mà dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử đối với trẻ khuyết tật” mang lại.


0 bình luận

Bình luận thêm