Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quảng Nam: Thăm nhà và tư vấn về sống độc lập cho người khuyết tật lần thứ hai

  • Thực hiện: Kim Nguyễn
  • 10/06/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 467

Ngày 8-9/06/2023, Viện ACDC phối hợp với Ban quản lý dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” giai đoạn II của tỉnh Quảng Nam thực hiện hoạt động Thăm nhà, tư vấn về sống độc lập cho người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (lần thứ hai). Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thái độ và tăng cường kỹ năng sống độc lập cho người khuyết tật và gia đình người khuyết tật; đồng thời đánh giá và theo dõi những thay đổi và cải thiện của người khuyết tật về sống độc lập sau khi được đánh giá, tư vấn về sống độc lập lần thứ nhất (ngày 23 và 24 tháng 03/2023). Chuyến thăm nhà và tư vấn sống độc lập được thực hiện cho các hộ gia đình người khuyết tật tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Tư vấn viên trao đổi và hỏi đáp về kỹ năng sống độc lập đối với người khuyết tật tại nhà

Các thành viên tham gia đi đánh giá, tư vấn lần này bao gồm cán bộ Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Nam, cán bộ công chức văn hóa xã hội và cán bộ trạm y tế xã. Đây đều là những người đã được trang bị các kiến thức, kỹ năng về sống độc lập, hòa nhập và tiếp cận của người khuyết tật trong các khóa tập huấn và đi thăm nhà lần thứ nhất trước đó. Lợi thế của các thành viên chính là sự nhiệt tình, kinh nghiệm vốn có đồng thời đã có các kỹ năng, kiến thức từ lớp tập huấn và lần đi thăm nhà thứ nhất. Vì vậy, 28 người khuyết tật và người thân của người khuyết tật tại huyện Bắc Trà My đã được đánh giá và tư vấn về kỹ năng thực hiện các hoạt động tương tác sinh hoạt hàng ngày, các hoạt động xã hội, cách cải tạo, sửa chữa lại nhà ở và sắp xếp các thiết bị sử dụng trong nhà một cách phù hợp với tình trạng khuyết tật. Điều này sẽ giúp cho việc sinh hoạt, làm việc hàng ngày của người khuyết tật được dễ dàng, thuận tiện hơn, từ đó giúp họ tự chủ, độc lập và giảm bớt sự phụ thuộc của bản thân vào gia đình.

Tư vấn viên tiến hành kiếm tra đo đạc kích thước theo tiêu chuẩn để đảm bảo tiếp cận nhà vệ sinh phù hợp đối với người khuyết tật

Chuyến thăm nhà lần này đã ghi nhận những thay đổi đáng kể từ bản thân người khuyết tật và gia đình người khuyết tât. Đặc biệt, đó là những thay đổi về môi trường nhà ở, về sự chủ động tham gia các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trong gia đình cũng như các hoạt động của cộng đồng, về việc thụ hưởng các chính sách. Ví dụ trường hợp của ông N.V.K sống tại thôn Bình Phương, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My đã lắp thanh vịn trong nhà vệ sinh, nhà tắm và lối đi từ bếp ra khu vệ sinh, thay xí xổm thành xí bệt…để bản thân sử dụng thuận tiện hơn; Ngoài ra, ông T.V.T sống tại thôn 2, xã Trà Kót cũng đã được xác định lại mức độ khuyết tật và nâng mức độ khuyết tật từ mức độ nặng thành mức độ đặc biệt nặng. Nhiều người khuyết tật khác cũng trở nên vui vẻ, phấn chấn hơn về mặt tinh thần. Hàng ngày, họ chủ động làm các công việc trong gia đình như nấu ăn, giặt giũ, lau dọn nhà cửa cũng như tham gia các hoạt động chung của thôn, xóm…

Tư vấn viên kiểm tra vết thương đầu gối của người khuyết tật để đưa ra biện pháp hỗ trợ cải tạo không gian tại nhà

Ông T.V.T, cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bắc Trà My cho biết: “Tôi thấy hoạt động thăm nhà này rất ý nghĩa. Dù chỉ vỏn vẹn khoảng 4 tháng từ khi tập huấn, đến thăm nhà lần thứ nhất, rồi đến nay là thăm nhà lần thứ hai nhưng đã ghi nhận những thay đổi rất tích cực của người khuyết tật, giúp họ sống độc lập hơn. Đây là một điều đáng mừng cho địa phương. Rất cảm ơn dự án, cảm ơn cán bộ ACDC đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người khuyết tật trên địa bàn huyện nhà như thế này.”

Một số các hạng mục như lắp tay vịn trong nhà tắm, nhà vệ sinh... đã được cải tạo tại nhà của người khuyết tật

“Hồi tháng 02/2023, tôi đi tập huấn đã được nghe các giảng viên nói đến tiếp cận cho người khuyết tật tôi đã thấy rất tâm đắc rồi. Đến tháng 03/2023, tôi tiếp tục được các anh chị tư vấn, hướng dẫn cụ thể phải thay xí xổm thành bệt để ngồi cho thuận tiện vì tôi đi chân giả; lắp tay vịn, thêm cái ghế tắm để sử dụng cho an toàn… Tôi ngẫm nghĩ mãi, mình đi chân giả gần 48 năm rồi, những kiến thức đơn giản như vậy mà sao không nghĩ ra, giờ được các anh chị đến hướng dẫn tận tình như thế mà không làm theo thì dở quá. Tuy nhiên, hoàn cảnh tôi lại khó khăn, tôi với vợ cứ thay nhau nằm viện nên cũng không có tiền để cải tạo. Biết được điều này, cô Yên cán bộ công chức văn hóa xã hội đã hướng dẫn tôi làm hồ sơ và được hỗ trợ một triệu đồng từ UBND xã. Sau khi có được khoản tiền này tôi đã bắt tay ngay vào việc cải tạo chứ sợ “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Bây giờ việc đi vệ sinh và tắm giặt của tôi, tôi hoàn toàn độc lập được rồi, rất phù hợp và an toàn đối với bản thân tôi. Tôi cảm ơn các anh chị nhiều lắm”. Ông N.A.T, người khuyết tật chia sẻ trong niềm xúc động.

Hoạt động này trong khuôn khổ dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2024” do cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.


0 bình luận

Bình luận thêm