Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chấm dứt việc bỏ quên người khuyết tật bên lề xã hội

  • Thực hiện: Nguyệt Hà
  • 24/07/2018
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 974

Giáo dục hòa nhập, trao quyền kinh tế và đổi mới công nghệ là những nội dung trọng tâm của cuộc thảo luận diễn ra giữa các nhà lãnh đạo trên thế giới vào ngày 24/07/2018 trong Hội nghị thượng đỉnh về người khuyết tật toàn cầu do Liên hợp quốc tổ chức lần đầu tiên tại Luân Đôn.

Phát biểu trước Hội nghị, Phó Tổng thư ký Amina J. Mohammed đã dẫn Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững và bản Công ước Liên hợp quốc đã được thông qua rộng rãi trên toàn cầu cùng với các cam kết về thúc đẩy quyền của người khuyết tật. Bà cũng nói: “Nhưng thường xuyên, cam kết mang tính chính trị này không đem lại những cải thiện đáng kể nào cho cuộc sống của 1,5 tỷ người khuyết tật trên toàn thế giới.”… Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị “phân biệt đối xử gấp đôi” do vấn đề về giới và tình trạng khuyết tật.

Bà Mohammed lưu ý rằng cuối năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres sẽ công bố báo cáo đầu tiên về Khuyết tật và Phát triển, với mục đích làm cơ sở thông tin về người khuyết tật liên quan đến Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Bà chia sẻ: “Chính phủ là người lãnh đạo, nhưng sự thay đổi thì đòi hỏi nỗ lực của toàn xã hội”. Những người trẻ tuổi, người khuyết tật, các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức thuộc lĩnh vực tư nhân đang nỗ lực hướng tới sự thay đổi đó. “Hội nghị thượng đỉnh về người khuyết tật toàn cầu là cơ hội đúng lúc nhằm xác định chính xác cách để thay đổi tình trạng này khi chúng ta thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 và tạo ra giá trị có tính toàn diện và đa dạng như một nguồn nhân lực và tài nguyên văn hóa”. Phó Tổng thư ký nhấn mạnh “sự tham gia có ý nghĩa quan trọng với những kết quả đạt được dựa trên sự hợp tác và đẩy mạnh sự tham gia của người khuyết tật trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.”

Trẻ em là đối tượng ưu tiên hàng đầu

Henrietta H. Fore, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã mô tả một bức tranh đáng quan ngại về những thách thức đối với trẻ em khuyết tật. Theo bà, những định kiến, kỳ thị hay giáo dục không tiếp cận là những cản trở khiến cho một nửa số trẻ khuyết tật không được đi học, một nửa còn lại tuy được đi học nhưng lại không nhận được một nền giáo dục chất lượng. “Một sự lãng phí lớn với tiềm năng phát triển của những đứa trẻ, với cả xã hội và nền kinh tế của chúng ta!”

Bà Fore cho rằng: “Là một cộng đồng toàn cầu, chúng ta sẽ không thể đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 4 - Giáo dục cho tất cả - nếu chúng ta còn tiếp tục không quan tâm đến trẻ em khuyết tật. Chúng ta không chỉ phải giúp trẻ đến trường mà còn cần cải thiện cả chất lượng giáo dục đối với trẻ khuyết tật.”

Tại hội nghị, bà đã chia sẻ: Để bù đắp cho một số thách thức này, Chương trình “Đối tác toàn cầu về công nghệ hỗ trợ” sẽ cung cấp những hỗ trợ thay đổi cuộc sống (bao gồm xe lăn, hỗ trợ lắp bộ phận giả và máy trợ thính) cho 500 triệu người trên toàn thế giới vào năm 2030. “Đối với trẻ em khuyết tật, các công nghệ này giúp trẻ tự nhìn thấy từ khi còn nhỏ, có khả năng làm được những điều chúng muốn làm như: Di chuyển, chơi, xem, nghe, tương tác, học hỏi và giao tiếp.”

Trẻ em khuyết tật sống ở những khu vực diễn ra xung đột hoặc thiên tai phải đương đầu với những bất lợi gấp đôi. Không những gặp phải những mối nguy hiểm về bạo lực, đói nghèo và những đe doạ về an toàn, chúng còn phải đối mặt với những thách thức đặc biệt, trong đó bao gồm “khó khăn về di chuyển do các cơ sở hạ tầng bị phá hủy, những chấn thương và định kiến ngăn cản trẻ khuyết tật tiếp cận với sự trợ giúp khẩn cấp khi cần”. 

Chủ tịch UNICEF kết luận “Hội nghị thượng đỉnh này là cơ hội để biến những cam kết của chúng ta đối với trẻ em khuyết tật thành hiện thực trên toàn thế giới, bất kể chúng ở đâu”.

Về phần mình, ông Mark Lowcock - điều phối viên Chương trình Cứu trợ khẩn cấp Liên hợp quốc đã chia sẻ trong Hội nghị rằng: Trên thế giới, có ít nhất 15% trong số hơn 130 triệu người cần viện trợ nhân đạo là người khuyết tật. Và “Không có giải pháp đơn giản nào để giải quyết vấn đề hiện nay nhưng trọng tâm, những yêu cầu cơ bản là phải giúp người khuyết tật và tổ chức của họ lên kế hoạch và thực hiện các biện pháp ứng phó đối với các cuộc khủng hoảng nhân đạo”, điều mà "sẽ tạo nên giải pháp ứng phó tốt hơn, hiệu quả hơn và nhân văn hơn.”

Hội nghị thượng đỉnh được đồng tổ chức bởi Chính phủ Kenya, Vương quốc Anh và Liên minh khuyết tật quốc tế (IDA).

Cẩm Tú – Nguyệt Hà (Biên dịch)

Nguồn: Trung tâm Tin tức Liên hợp quốc


0 bình luận

Bình luận thêm