Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Khánh thành Nhà trung chuyển đầu tiên tại Hà Nội

  • Thực hiện: Ánh Ngọc
  • 25/09/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 566

Ngày 25/09/2023, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp cùng Trường Đại học Y tế Công cộng tổ chức Khánh thành Nhà trung chuyển đầu tiên tại Hà Nội. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật, giai đoạn II” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Viện ACDC là đối tác thực hiện dự án.

Buổi lễ có sự tham dự của TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám bệnh, chữa bệnh – Bộ Y tế; Bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam; Bà Christin Katin, Quyền Giám đốc Phòng Hàn Gắn và Phát triển Hòa Nhập (USAID Việt Nam); GS.TS Hoàng Văn Minh – Hiệu trưởng, PGS.TS Lã Ngọc Quang – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà – Phó Hiệu trưởng của trường ĐH Y tế công cộng; Bà Dương Thị Vân – Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng ACDC cùng các giảng viên, cán bộ, y bác sĩ của Trường Đại học Y tế công cộng và cơ quan thông tấn, báo chí.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Hoàng Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng nhấn mạnh: Nhà trung chuyển còn được gọi là mô hình phục hồi chức năng cho người bệnh trước khi về cộng đồng, giúp kết nối và phát huy hiệu quả giữa PHCN tại bệnh viện với PHCN dựa vào cộng đồng. Nhà trung chuyển là nơi giúp người bệnh, người khuyết tật làm quen, thích nghi, luyện tập cho những hoạt động hoà nhập cuộc sống thực tại gia đình, cộng đồng sau giai đoạn điều trị lâm sàng. Đây cũng là một mô hình phục vụ cho hoạt động giảng dạy cho các mã ngành về PHCN. Trường Đại học Y tế Công cộng, Khoa Y học lâm sàng YHLS, Phòng khám đa khoa chúng tôi cam kết sẽ tập trung vào lập kế hoạch và triển khai hoạt động nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của Nhà trung chuyển, mang lại lợi ích nhiều nhất cho người bệnh cũng như giá trị đào tạo của Nhà trung chuyển trong các chương trình đào tạo của nhà trường.

Lễ cắt băng khánh thành nhà trung chuyển đầu tiên tại Hà Nội

TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám bệnh, chữa bệnh – Bộ Y tế cũng chia sẻ: Trên thế giới, Khu trung chuyển trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được triển khai, áp dụng từ những năm 1975 và có nhiều nhiều bằng chứng khoa học về hiệu quả phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Từ đó có thể thấy mô hình này rất phù hợp với người khuyết tật và cần thiết trong công tác PHCN tại cơ sở y tế. Từ năm 2019 đến nay, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã phối tham gia định hướng và phối hợp với Viện ACDC triển khai 6 mô hình Nhà trung chuyển tại các tỉnh miền Trung cũng như mô hình tại Trường ĐH Y tế công cộng.

Nhà trung chuyển được thiết lập trong khu vực Phòng khám Đa khoa của Trường Đại học Y tế Công cộng. Đây là công trình đầu tiên tại Hà Nội và là công trình Nhà trung chuyển thứ bảy do ACDC triển khai thiết lập với tài trợ từ USAID. Trên thực tế, Hà Nội là nơi tập trung các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh thuộc tuyến cuối, nhu cầu phục hồi chức năng của người dân rất lớn. Do đó, việc triển khai mô hình này tại Trường Y tế Công cộng kỳ vọng sẽ tạo một chuỗi cung ứng dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật hoàn thiện tại cấp trung ương. Từ đó tạo ra các tác động tích cực, lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng hơn ý nghĩa của mô hình trong cộng đồng.

Chia sẻ về quá trình xây dựng Nhà trung chuyển tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện ACDC cho biết: Từ tháng 3/2023 đến tháng 9/2023, dự án đã phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh, Trường Đại học Y tế Công cộng để thảo luận, lên ý tưởng và tiến hành thiết lập Nhà trung chuyển tại khu vực Phòng khám đa khoa của Trường, mà sắp tới sẽ trở thành Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, như Lãnh đạo Cục và Lãnh đạo Trường chia sẻ. Đây là Nhà trung chuyển đầu tiên được thiết lập tại Hà Nội, và sau khi Bộ Y tế ban hành các Hướng dẫn chuyên môn liên quan. Nhà trung chuyển tại Trường Đại học Y tế Công cộng cũng là mô hình mà ACDC có cơ hội áp dụng những kinh nghiệm học hỏi được từ các quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, cũng như đặt nhiều kỳ vọng và tâm huyết. Với diện tích hơn 130m2, Nhà trung chuyển này được thiết kế phù hợp với văn hóa, điều kiện kinh tế của khu vực thành thị với 2 giường ngủ, chia theo 5 khu vực gồm: khu vực di chuyển chung, bếp và ăn uống, vệ sinh, giường ngủ và khu vực dành cho các hoạt động sinh hoạt chung như khu vực khu vực giải trí và luyện tập. Đây là môi trường thuận lợi để người khuyết tật có thể thực hành và học lại các chức năng sinh hoạt hàng ngày sau quá trình PHCN.

Tham quan mô hình nhà trung chuyển tại Đại học Y tế Công cộng

Công trình được trang bị các vật dụng nhỏ để người bệnh tự chăm sóc và thực hành các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như dụng cụ nhà bếp (bộ đồ ăn, đồ vệ sinh, vải), các thiết bị hỗ trợ cho việc di chuyển (xe lăn), các thiết bị định vị (ghế ngồi tắm), v.v..

Trường Đại học Y tế Công cộng là trường đại học đầu tiên của cả nước đào tạo về lĩnh vực Y tế Công cộng. Năm 2017, Phòng khám Đa khoa - Trường Đại học Y tế Công cộng được khánh thành và đưa vào hoạt động với các dịch vụ mũi nhọn: Khám sức khỏe, tiêm chủng, phục hồi chức năng, can thiệp trẻ có nhu cầu đặc biệt. Phòng khám Phục hồi chức năng của Trường Đại học Y tế Công cộng được tài trợ trang thiết bị mới đồng bộ 100% từ Tập đoàn Y tế Kyowakai, Nhật Bản. Bệnh viện thực hành và Phòng khám Đa khoa của Trường Đại học Y tế Công cộng có đủ nguồn nhân lực bác sĩ PHCN, kỹ thuật viên vật lý trị liệu (PT), hoạt động trị liệu (OT) và đây cũng là nơi thực hành của các sinh viên được đào tạo bác sĩ và kỹ thuật viên Phục hồi chức năng.

Theo kế hoạch, Nhà trung chuyển sau khi đi vào hoạt động sẽ do Phòng khám Đa khoa và Khoa y học lâm sàng phụ trách vận hành và phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu nhằm đảm bảo mục tiêu kép: phục vụ bệnh nhân và là nơi thực hành cho công tác đào tạo nguồn nhân lực phục hồi chức năng.


0 bình luận

Bình luận thêm