Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Ngày quốc tế người khuyết tật 2023 (IDPD 2023): Chung tay hành động để bảo toàn và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững với người khuyết tật, do người khuyết tật và vì người khuyết tật

  • Thực hiện: Nguyệt Hà (biên tập và tổng hợp)
  • 07/11/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1238

NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT 2023 (IDPD 2023):

CHUNG TAY HÀNH ĐỘNG ĐỂ BẢO TOÀN VÀ ĐẠT ĐƯỢC CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT, DO NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ VÌ NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Mục tiêu phát triển bền vững – Sustainable Development Goals (SDG) là lời kêu gọi của Liên hợp quốc (LHQ) đến tất cả các quốc gia trên thế giới, nhằm giải quyết những thách thức lớn mà nhân loại phải đối mặt, hướng đến một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho tất cả mọi người vào năm 2030. Từ tháng 9/2013, các quốc gia đã tiến hành xây dựng Chương trình nghị sự phát triển của LHQ sau năm 2015 và bắt đầu tiến trình xây dựng 17 mục tiêu phát triển bền vững. 17 SDG này được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu phấn đấu. Ngày 25/9/2015, SDG chính thức được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ với sự góp mặt của 193 thành viên.

Theo “Báo cáo SDG 2023: Phiên bản Đặc biệt”, 50% trong số 140 mục tiêu có thể được đánh giá, đã cho thấy sự chệch hướng vừa phải hoặc nghiêm trọng. Hơn 30% trong số mục tiêu không ghi nhận sự tiến triển nào, thậm chí còn thụt lùi so với mức cơ sở của năm 2015. Báo cáo khẳng định: Việc ngừng thúc đẩy nỗ lực toàn cầu để đạt được các SDG có thể gây ra bất ổn chính trị lớn hơn, ảnh hưởng đến kinh tế và dẫn đến thiệt hại không thể khắc phục đối với môi trường. Trong đó, chính những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đang phải chịu tác động tồi tệ nhất của những thách thức toàn cầu chưa từng có này.

Trên thế giới ước tính có hơn 1 tỷ người bị khuyết tật. Điều này tương ứng với khoảng 15% dân số thế giới. Trong đó có tới 190 triệu người (3,8%) từ 15 tuổi trở lên gặp khó khăn đáng kể trong các hoạt động. Số người bị khuyết tật đang gia tăng do sự gia tăng các bệnh mãn tính và già hóa dân số. Khuyết tật là một vấn đề nhân quyền, trong đó người khuyết tật phải chịu nhiều hành vi vi phạm quyền của họ, bao gồm các hành vi bạo lực, lạm dụng, định kiến và thiếu tôn trọng, cùng với các hình thức phân biệt đối xử khác dựa trên tuổi tác và giới tính. Người khuyết tật cũng phải đối mặt với các rào cản, kỳ thị và phân biệt đối xử khi tiếp cận các chính sách, dịch vụ y tế liên quan đến sức khỏe.

Trong phiên họp công bố bản báo cáo tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc hôm 10/7/2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres thừa nhận: “Thế giới có nguy cơ bỏ lỡ SDG”. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Liên hợp quốc thừa nhận nguy cơ này, dù nó đã được cảnh báo từ lâu. Đến thời điểm này, hơn một nửa chặng đường SDG đã đi qua. Mốc thời gian 2030 chỉ còn 7 năm, bản báo cáo “đặc biệt" của LHQ được đưa ra như một lời cảnh tỉnh, ông Antonio Guterres nhấn mạnh “con người đang ở thời điểm của sự thật và sự cân nhắc”, cũng như kêu gọi “cùng nhau, các nước có thể biến thời điểm hiện tại thành thời điểm của hy vọng”.

Năm nay, chủ đề Ngày Quốc tế người khuyết tật được Liên hợp quốc đưa ra là: “Chung tay hành động để bảo toàn và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững với người khuyết tật, do người khuyết tật và vì người khuyết tật.”

Việt Nam cũng đã quốc gia hóa Chương trình Nghị sự 2030 của toàn cầu thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Và người khuyết tật cũng không nằm ngoài những kế hoạch đó.

Bạn đã làm gì để chung tay hành động hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững với người khuyết tật, do người khuyết tật và vì người khuyết tật? Hãy chia sẻ cùng ACDC về hành động của bạn nhé!

Chủ đề của những năm trước:

  • 2022: Đổi mới vì một thế giới bình đẳng và tiếp cận cho người khuyết tật
  • 2021: Lãnh đạo và tham gia của người khuyết tật hướng tới một thế giới hoà nhập, tiếp cận và bền vững hậu Covid-19
  • 2020: Bắt đầu lại tốt hơn: Hướng tới một thế giới sau COVID-19 hòa nhập, tiếp cận và bền vững
  • 2019: Thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo của người khuyết tật: Thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững
  • 2018: Tăng cường năng lực của người khuyết tật, đảm bảo hòa nhập và công bằng
  • 2017: Thay đổi hướng tới một xã hội bền vững và tiến bộ cho tất cả
  • 2016: Hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững! Cho một tương lai chúng ta mong muốn
  • 2015: Vấn đề hoà nhập: Tiếp cận và tăng cường năng lực/trao quyền cho người có khả năng
  • 2014: Phát triển bền vững: Lời hứa của công nghệ
  • 2013: Phá bỏ rào cản, mở rộng cửa: Vì một xã hội hoà nhập và phát triển cho tất cả
  • 2012: Gạt bỏ rào cản để xây dựng một xã hội hòa nhập và tiếp cận cho tất cả mọi người
  • 2011: Cùng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả: Bao gồm người khuyết tật trong phát triển
  • 2010: Lời hứa: Lồng ghép vấn đề khuyết tật trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ hướng đến năm 2015 và xa hơn
  • 2009: Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ hòa nhập: Nâng cao năng lực lãnh đạo cho người khuyết tật và cộng đồng của họ trên toàn thế giới
  • 2008: Công ước về Quyền của Người khuyết tật: Phẩm giá và công lý cho tất cả chúng ta
  • 2007: Thập kỷ việc làm dành cho người khuyết tật
  • 2006: Khả năng tiếp cận công nghệ
  • 2005: Quyền của người khuyết tật: Hành động trong phát triển
  • 2004: Không có gì về chúng tôi, nếu không có chúng tôi
  • 2003: Tiếng nói của chúng tôi
  • 2002: Sống độc lập và sinh kế bền vững
  • 2001: Tham gia và bình đẳng: Lời kêu gọi cách tiếp cận mới để đánh giá tiến độ và kết quả
  • 2000: Công nghệ thông tin làm việc cho tất cả
  • 1999: Khả năng tiếp cận cho tất cả cho Thiên niên kỷ mới
  • 1998: Nghệ thuật, Văn hóa và Sống độc lập

0 bình luận

Bình luận thêm