Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Bình Định: Truyền thông về sống độc lập và Hỗ trợ Tư vấn pháp luật cho người khuyết tật

  • Thực hiện: Việt Phan
  • 14/12/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 307

Từ ngày 11-12/12/2023, Viện ACDC đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định tổ chức “Hỗ trợ tư vấn pháp luật và hòa nhập xã hội cho người khuyết tật & Truyền thông về môi trường không rào cản, sống độc lập, hòa nhập với người khuyết tật” tại hai huyện Phù Mỹ và Tây Sơn. Hoạt động nhằm nâng cao kiến thức về chính sách và pháp luật cho người khuyết tật và gia đình người khuyết tật tại địa phương, đồng thời truyền thông về sống độc lập, hòa nhập khuyết tật nhân kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12.

Đoàn tư vấn pháp luật có sự tham gia của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định; các cán bộ tư vấn thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Định; Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bình Định; Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Mỹ và Tây Sơn; cùng các luật sư, cán bộ tư vấn thuộc Phòng Luật của Viện ACDC. Kết thúc 2 ngày làm việc, đoàn đã tư vấn được cho hơn 110 người bao gồm người khuyết tật và thành viên gia đình người khuyết tật.

Người khuyết tật và người thân được lắng nghe chia sẻ về các chính sách liên quan đến người khuyết tật do cán bộ tư vấn của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện trình bày

Các câu hỏi của người khuyết tật và người thân tập trung vào các lĩnh vực bảo trợ xã hội, vay vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh, giáo dục, y tế, học nghề và việc làm, hôn nhân gia đình, đất đai, sửa chữa nhà ở, chính sách thuế… Trong đó, lĩnh vực bảo trợ xã hội và vay vốn ưu đãi là 02 lĩnh vực được người khuyết tật và gia đình người khuyết tật quan tâm sôi nổi và đưa ra nhiều câu hỏi nhất. Tất cả các nội dung trên đều được đoàn tư vấn viên hướng dẫn một cách tận tình và giải đáp chi tiết rõ ràng, hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan.

Anh Hồ Ngọc Khoa, người khuyết tật tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ cho biết:“Bản thân tôi rất hài lòng khi được tư vấn viên giải thích cụ thể và cung cấp đầy đủ thông tin về chế độ chăm sóc cho người khuyết . Đó là vấn đề mà tôi quan tâm bởi vì từ trước đến nay tôi chủ yếu đều ở nhà nên chưa được tiếp cận hoạt động tư vấn này. Tôi cũng được thăm quan các sản phẩm trưng bày của người khuyết tật làm ra, tôi thấy được sự vượt lên số phận của những người đồng cảnh ngộ như mình nên rất hoan nghênh và bản thân phải cố gắng hơn. Tôi cảm ơn Ban tổ chức đã có những hoạt động như thế này giúp tôi cảm thấy rất vui vẻ, ấm áp và hạnh phúc.”

Anh Phan Phương Trình - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, huyện Phù Mỹ hướng dẫn cụ thể về lĩnh vực mà người khuyết tật quan tâm

Không chỉ được đánh giá cao bởi người khuyết tật, hoạt động hỗ trợ tư vấn pháp luật cũng được các cơ quan có liên quan và các tư vấn viên ghi nhận tính hiệu quả và thiết thực. Anh Phan Phương Trình - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, huyện Phù Mỹ chia sẻ: “Trong thời gian qua, Ngân hành chính sách cũng đã thực hiện các công tác tuyên truyền cho người dân, trong đó có người khuyết tật ở một số xã, địa phương nhưng chưa thực sự hiệu quả, do đó, nhiều người khuyết tật chưa nắm được thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, một số người khuyết tật còn mặc cảm về bản thân, ít hoặc không tham gia các hoạt động cộng đồng nên họ chưa nắm được các chính sách này.

Qua hoạt động tư vấn pháp luật trực tiếp, chúng ta có thể thấy nhiều người khuyết tật có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh của chính họ cũng như của gia đình. Quá trình trao đổi trực tiếp giúp giảm bớt sự ngại ngùng trong giao tiếp của người khuyết tật cũng như giúp họ có cơ hội trao đổi về các chương trình vay vốn, ưu đãi lãi suất của Chính phủ dành cho người khuyết tật nói riêng, vay vốn để đầu tư sản xuất nói chung. Trong thời gian tới, Ngân hàng chính sách huyện Phù Mỹ sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền cho những đối tượng yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật với mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật và gia đình tiếp cận được nhiều thông tin, chủ trương chính sách của Chính phủ và các cơ quan liên quan, giúp họ ổn định cuộc sống. Bản thân tôi thấy hoạt động tư vấn pháp luật trực tiếp của Dự án rất thiết thực và có thể hỗ trợ cho người khuyết tật rất nhiều.”

Anh Võ Thanh Toàn – người khuyết tật, Giảng viên nguồn về Sống độc lập tại xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn với sản phẩm sáng tạo về Ngôi nhà tiếp cận an toàn cho người khuyết tật

Đồng thời, Dự án cũng tiến hành trưng bày các sản phẩm sáng tạo do chính người khuyết tật thực hiện thông qua các hình thức đa dạng và phong phú như báo tường, tranh vẽ, tranh ảnh sưu tầm, mô hình ngôi nhà tiếp cận an toàn và xe lăn bằng vật liệu tăm tre, …Mỗi sản phẩm khác nhau gắn với chủ đề nội dung liên quan đến Sống độc lập, Hòa nhập khuyết tật, Lịch sử ngày Quốc tế người khuyết tật. Các sản phẩm này do chính các giảng viên nguồn là người khuyết tật làm và giới thiệu, chia sẻ thông tin trong chương trình. Mục tiêu của hoạt động nhằm thúc đẩy nâng cao nhận thức về khả năng sống độc lập, hòa nhập cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của người khuyết tật trong việc góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.

Một sản phẩm lắp xe lăn bằng vật liệu tăm tre do chính người khuyết tật thực hiện

Anh Nguyễn Dẹo, người khuyết tật ở Hòa Hội Nam, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ chia sẻ: “Hôm nay tôi có quan tâm đến vấn đề việc làm cho người khuyết tật để mong muốn ổn định kinh tế và các chính sách vay vốn ưu đãi đối với người khuyết tật nên đã được tư vấn viên giải đáp rõ ràng những vấn đề trên. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia chương trình hoạt động, đặc biệt là được thăm quan các sản phẩm truyền thông từ chính đôi bàn tay của người khuyết tật tạo ra có tính sáng tạo và thẩm mỹ, tôi rất vui mừng vì được học hỏi nhiều điều và thấy được sự cố gắng quyết tâm vươn lên của những người khuyết tật. Tôi cũng mong trong buổi hoạt động lần này, đại diện của các cơ quan ban, ngành cần được quan tâm hơn nữa về những chính sách phù hợp cho người khuyết tật nhằm đáp ứng nhu cầu của họ.”

Cán bộ tư vấn của Viện ACDC giải thích một số nội dung chính sách phù hợp và định hướng cho người khuyết tật

Một kết quả ngoài mong đợi của hoạt động trưng bày là tăng cường sự sáng tạo và chủ động tham gia các hoạt động cộng đồng của đội ngũ giảng viên nguồn là người khuyết tật của Dự án. Hầu hết các thành viên đều đã áp dụng các kiến thức về sống độc lập của người khuyết tật đã được hướng dẫn để đưa vào các sản phẩm trưng bày. Dự án cũng ghi nhận được sự thay đổi tích cực của các giảng viên nguồn là người khuyết tật. Họ đã tự tin hơn trong quá trình sáng tạo ý tưởng và trình bày các sản phẩm do chính họ tạo ra, cũng như chia sẻ ý nghĩa của hoạt động này đối với người khuyết tật khác tại địa phương. “Công tác truyền thông này sẽ giúp ích cho người khuyết tật, càng ngày càng nâng cao kiến thức cho người khuyết tật. Sản phẩm mà tôi làm để triển lãm hôm nay là mô hình sinh kế cho người khuyết tật, giúp họ có nghị lực sống độc lập và hòa nhập cộng đồng. Tham gia sự kiện này, tôi đã đem đến sản phẩm là mô hình ngôi nhà tiếp cận an toàn làm từ nhựa tái chế và những vật trang trí trong gia đình trước đây. Những vật liệu này được sử dụng với mục đích trang trí và để bảo vệ môi trường. Ý tưởng về ngôi nhà tiếp cận an toàn có được từ việc tôi tham gia lớp tập huấn của Dự án Hòa nhập IIb do Viện ACDC thực hiện. Tôi mong rằng mô hình ngôi nhà tiếp cận an toàn sẽ giúp người khuyết tật tham gia chương trình có thể hiểu rõ thêm về các thiết bị hay là các dụng cụ bên trong ngôi nhà (như các lối đi, bàn ăn, tay vịn…) phù hợp để người khuyết tật đi lại dễ dàng, dễ tiếp cận và độc lập hơn. Qua đây cũng mong chương trình có những buổi truyền thông như thế này để giúp cho cộng đồng người khuyết tật trên thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng.” – Anh Võ Thanh Toàn – người khuyết tật, Giảng viên nguồn về Sống độc lập tại xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn chia sẻ.

Một hình ảnh về người khuyết tật với tinh thần lạc quan và vươn lên trong cuộc sống được trưng bày trong buổi truyền thông về sống độc lập và hòa nhập khuyết tật

Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” tại tỉnh Bình Định và Kon Tum giai đoạn 2023 – 2026, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) thuộc Bộ Quốc phòng làm Chủ dự án. Viện ACDC là một trong các đối tác triển khai các hoạt động dưới sự quản lý của Humanity & Inclusion (HI).


0 bình luận

Bình luận thêm