Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quảng Trị: Tập huấn chia sẻ hướng dẫn Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát lĩnh vực đường bộ

  • Thực hiện: Minh Trần
  • 15/12/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 494

Ngày 15/12/2023, Viện ACDC phối hợp cùng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) tổ chức tập huấn chia sẻ hướng dẫn Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát lĩnh vực đường bộ tại Quảng Trị. Hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật giai đoạn II” do USAID tài trợ.

Tham gia sự kiện có ông Nhâm Ngọc Ngà, đại diện Vụ Vận tải - Bộ Giao thông vận tải (GTVT); ông Phan Hoàng Phương, Trưởng phòng giao thông đô thị và nông thôn - Viện Chiến lược và phát triển, Bộ GTVT; ông Trần Tuấn Anh, Phó GĐ Ban Quản lý bảo trì giao thông - Sở GTVT tỉnh Quảng Trị; ông Trương Công Nghiêm, Phó chủ tịch Liên hiệp hội vì người khuyết tật Việt Nam (VFD); ông Thái Vĩnh Liệu, Chủ tịch Hội người khuyết tât, nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị, nguyên Bí thư tỉnh Quảng Trị; bà Dương Thị Vân, Giám đốc Trung tâm tư vấn và hòa nhập cùng gần 40 đại biểu đến từ các Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị; các doanh nghiệp, đại diện Hội người khuyết tật…

Ông Thái Vĩnh Liệu, Chủ tịch Hội người khuyết tật, nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị chia sẻ về Bộ tiêu chí tiếp cận giao thông đối với người khuyết tật

Phát biểu tại lớp tập huấn, ông Thái Vĩnh Liệu, Chủ tịch Hội người khuyết tật, nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đối với lĩnh vực giao thông tiếp cận, Hội đã triển khai các hoạt động khảo sát giám sát công trình tiếp cận đối với người khuyết tật, trong đó có giao thông tiếp cận. Chúng tôi cho rằng Bộ tiêu chí sẽ là định hướng cho phát triển giao thông tiếp cận phổ quát nói chung và lĩnh vực đường bộ Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, bộ tiêu chí sẽ góp phần giúp các địa phương thúc đẩy sự phát triển giao thông tiếp cận của Việt Nam toàn diện theo các nguồn lực con người (dịch vụ hỗ trợ giao thông tiếp cận) cũng như cơ sở hạ tầng giao thông tiếp cận và phương tiện giao thông tiếp cận.”

Ông Trương Công Nghiêm, Phó chủ tịch VFD đánh gia cao về tầm quan trọng của ACDC và TDSI trong việc hỗ trợ cũng như tăng cường thúc đẩy giao thông tiếp cận cho người khuyết tật

Ông Trương Công Nghiêm, Phó chủ tịch VFD cũng đánh giá cao vai trò của ACDC và TDSI trong việc thúc đẩy giao thông tiếp cận cho người khuyết tật. Ông nói: “VFD đánh giá cao và ghi nhận sự tham gia tích cực trong phát triển và áp dụng thí điểm Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát lĩnh vực đường bộ của Bộ GTVT và Sở GTVT các tỉnh, đặc biệt là của TDSI và ACDC. Chúng tôi tin rằng bộ tiêu chí sẽ góp phần giúp các địa phương đánh giá thực trạng hệ thống giao thông tiếp cận đồng thời sẽ thúc đẩy sự phát triển giao thông tiếp cận của Việt Nam (cả về nguồn lực và cơ sở hạ tầng giao thông; phát triển các chính sách liên quan từng khía cạnh về kết cấu hạ tầng giao thông tiếp cận, phương tiện giao thông tiếp cận và các dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao thông).”

Tham gia chương trình, các đại biểu đã cùng tìm hiểu và được giới thiệu về Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát cho lĩnh vực đường bộ được ban hành theo văn bản 12622/BGTVT-VT ngày 07/11/2023. Đồng thời, các đại biểu còn được các chuyên gia của Viện TDSI hướng dẫn sử dụng các tiêu chí trong Bộ tiêu chí, bao gồm: tiêu chí kết cấu hạ tầng giao thông, tiêu chí phương tiện giao thông, tiêu chí dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật. Chiều cùng ngày, các đại biểu đã cùng tham quan mô hình nhà chờ tiếp cận ngay tại Quảng Trị. Các hạng mục trong nhà chờ được thiết kế và lắp đặt gồm tay vịn cạnh các ghế ngồi chờ, logo nhận diện vị trí ưu tiên cho người khuyết tật. Mô hình này được Viện ACDC thực hiện thí điểm tại 3 tỉnh miền Trung gồm: tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam.

Một buổi chia sẻ tập huấn về hướng dẫn quy chuẩn kỹ thuật do cán bộ của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) trình bày

Lớp tập huấn đã ghi nhận nhiều ý kiến của Sở GTVT các tỉnh về hiện trạng tiếp cận của giao thông đường bộ của tỉnh mình, cũng như các kết quả đã đạt được trong những năm qua nhằm hỗ trợ người khuyết tật. Nhìn chung, các ý kiến đều chung nhận định, hệ thống giao thông đường bộ dù đã chú ý đến tiếp cận cho người khuyết tật song vẫn còn nhiều thách thức. Để người khuyết tật có thể tiếp cận toàn diện cần sự vào cuộc của rất nhiều đơn vị khác nhau.

Các đại biểu được tham gia thực tế về nhà chờ xe buýt tại tỉnh Quảng Nam

Ông Hoàng Thông, Phó phòng khai thác hạ tầng, Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Nhờ có Bộ tiêu chí này mà Sở có thể tự rà soát và đánh giá để từ đó đưa ra giải pháp khắc phục tốt hơn.”

Ông Lê Thanh Thành, đại diện Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cũng nhận định: Bộ tiêu chí này ra đời chứng tỏ ngành giao thông đã đang quan tâm đến lĩnh vực người khuyết tật. Địa phương nên lấy đó làm bước ngoặt, làm cơ sở để thực hiện các vấn đề có liên quan tại địa phương của mình.”

Cũng nhân dịp này, đoàn cũng đã đến thăm, viếng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập của tổ quốc tại Nghĩa trang Trường Sơn.


0 bình luận

Bình luận thêm