Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Ra mắt Ngôi nhà Bình Minh - địa chỉ an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực tại Quảng Nam

  • Thực hiện: Minh Trần
  • 27/12/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 388

Sáng ngày 28/12/2023, Viện ACDC đã bàn giao Ngôi nhà Bình Minh, địa chỉ tin cậy thân thiện với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực tại Quảng Nam. Ngôi nhà được hoàn thành dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 1.

Tham dự lễ bàn giao có ông Anthony Kolb - Phó Giám đốc Phòng Hàn gắn và phát triển hòa nhập, USAID tại Việt Nam; bà Lê Thị Thuý Hương - Cán bộ Quản lý chương trình, Quản lý Dự án Hòa nhập 1; Tiến sĩ Nguyễn Văn Tú, đại diện Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET); bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC; bà Đoàn Thị Hoài Nhi, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam; ông Hứa Quốc Dũng, Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Nam; bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam; đại diện Sở Y tế; đại diện Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cùng nhiều đại diện khác thuộc tỉnh.

Ngôi nhà Bình Minh là mô hình cung cấp dịch vụ thiết yếu hỗ trợ người bị bạo lực giới, với 1 phòng tư vấn và 2 phòng tạm lánh. Đây là mô hình được thí điểm hỗ trợ cải thiện tiếp cận cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật là nạn nhân của bạo lực giới. Mô hình nhà tạm lánh được điều chỉnh hoàn toàn tiếp cận với người khuyết tật, từ lối đi lại, các vật dụng sử dụng trong nhà cho tới nhà vệ sinh. 

Việc xây dựng mô hình Ngôi nhà Bình Minh được bắt đầu từ tháng 7/2023 với các hoạt động khảo sát đánh giá khả năng tiếp cận khả năng cung cấp dịch vụ cho phụ nữ khuyết tật, cho tới tập huấn đào tạo, nâng cao năng lực về bình đẳng giới, tăng cường kiến thức và kỹ năng phát hiện và xử lý, quản lý ca, giới thiệu mô hình cơ sở tạm lánh để hỗ trợ người khuyết tật có nguy cơ và là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh đó, để hiểu rõ mô hình, dự án cũng đã triển khai một chuyến thăm quan học hỏi kinh nghiệm mô hình thành công trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới tại Việt Nam. 

Ông Anthony Kolb, Phó Giám đốc Phòng Hàn gắn và phát triển hòa nhập, USAID tại Việt Nam phát biểu khai mạc sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, ông Anthony Kolb, Phó Giám đốc Phòng Hàn gắn và phát triển hòa nhập, USAID tại Việt Nam cho biết: "Bạo lực giới là vấn đề đã tồn tại dai dẳng và khó giải quyết ở các quốc gia khác nhau, không chỉ ở Việt Nam. Đây là bước đầu tiên chúng ta cùng nhau hợp tác và sẽ tiếp tục cùng chung tay trên con đường giải quyết vấn đề này. Tôi chân thành chúc tất cả các anh chị, chúc mô hình của chúng ta thành công. Bởi vì điều này cực kỳ có ý nghĩa, một khi mô hình này thành công, chúng ta có thể nhân rộng mô hình ra các tỉnh thành khác và những tỉnh thành khác cũng có thể học hỏi từ chúng ta."

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tú, đại diện Trung Tâm khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) đánh giá cao về sự ra đời của mô hình Ngôi nhà Bình Minh

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tú, đại diện Trung Tâm khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) cũng khẳng định: "Sự ra đời của mô hình Ngôi nhà Bình Minh có thể coi là một bước quan trọng trong quá trình thực hiện Dự án Hòa nhập với đối tượng thụ hưởng là phụ nữ khuyết tật, thể hiện sự quan tâm của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và NACCET đến việc thực hiện bình đẳng giới cho người khuyết tật. Chúng ta có thể tự hào về sự đóng góp tích cực này đối với đối tượng là phụ nữ khuyết tật, giúp những người phụ nữ khuyết tật cảm thấy được sự quan tâm, sự bảo vệ từ cộng đồng trước những hành vi bạo lực mà họ phải chịu đựng một mình trong sự mặc cảm và tuyệt vọng."

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC chia sẻ kết quả nghiên cứu về phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật khi xảy ra bạo lực giới trong cuộc sống

Nhấn mạnh vai trò của nhà tạm lánh trong công tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực giới, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC cũng cho hay: "Phụ nữ khuyết tật hay trẻ em gái khuyết tật luôn là những người yếu thế nhất trong những người yếu thế. Theo kết quả nghiên cứu của Viện ACDC những năm trước đây, có ít nhất 40% phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị ít nhất 1 tình huống bạo lực giới và họ rất lúng túng không biết tìm nơi nào để cầu cứu. Vì vậy ngôi nhà Bình Minh có thể là một nơi tạm lánh an toàn, thân thiện với họ. Bình Minh là mặt trời mọc, là bắt đầu một ngày mới. Chúng tôi tin rằng Bình Minh cũng đem lại hy vọng mới cho các nạn nhân trong đó có nạn nhân là phụ nữ khuyết tật. Tôi tin rằng ngôi nhà Bình Minh đầu tiên ra đời này cũng sẽ giúp cho sự hợp tác, vào cuộc của các bên liên quan được chặt chẽ hơn, nhịp nhàng hơn, giúp ích được nhiều hơn cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật."

Bà Đoàn Thị Hoài Nhi, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam hy vọng mong muốn Ngôi nhà Bình Minh sẽ đi vào hoạt động một cách hiệu quả và tích cực, trở thành nơi an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật

Phát biểu tại chương trình, bà Đoàn Thị Hoài Nhi, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam mong đợi: "Với thành quả ra mắt Ngôi nhà Bình Minh, chúng tôi hy vọng mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, mang lại những bình yên cho các nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới khi đến đây can thiệp, tư vấn và hỗ trợ. "

Việc đưa vào sử dụng Ngôi nhà Bình Minh như là một minh chứng cho việc thực thi điều 6 của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật của Chính phủ Việt Nam trong việc cam kết thực hiện các hoạt động nhằm giảm thiểu bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, cũng như hiện thực hoá Nghị quyết 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 ban hành chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới 2021-2030.

Toàn cảnh buổi lễ cắt băng khánh thành Ngôi nhà Bình Minh

Sự ra đời của một cơ sở tạm lánh có đầy đủ yếu tố tiếp cận sẽ giúp cho những nạn nhân bị bạo lực giới là người khuyết tật an tâm hơn, thuận tiện hơn trong quá trình tạm lánh và tái hòa nhập cộng đồng. Trong tương lai, Viện ACDC sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này tại một số tỉnh thành của miền Trung Việt Nam.


0 bình luận

Bình luận thêm