Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

ACDC - Những dấu ấn 2023

  • Thực hiện: ACDC
  • 29/01/2024
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 435

Một năm nữa đã qua và Viện ACDC vẫn đang tiếp tục hành trình “Chia sẻ niềm tin, nâng cao vị thế” cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam, ACDC tự hào vì đã đặt “dấu chân” của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Tất cả vì mục tiêu một cuộc sống hòa nhập và bình đẳng cho người khuyết tật. Hãy cùng ACDC nhìn lại những dấu ấn trong công cuộc cải thiện chất lượng sống cho người khuyết tật Việt Nam năm 2023.

1. Tư vấn pháp luật và vận động chính sách

Về tư vấn pháp luật: Trong năm 2023, Viện ACDC đã tư vấn cho gần 1.500 lượt người khuyết tật, gia đình người khuyết tật dưới những hình thức khác nhau. Các trường hợp đã tư vấn thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất là trợ giúp xã hội, sau đó là các lĩnh vực như vay vốn, đất đai, giáo dục - học nghề, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - bảo hiểm xã hội, lao động - việc làm....

Về vận động chính sách: Trong năm 2023, Viện ACDC đã tham gia các nghiên cứu, xây dựng các bộ tài liệu, góp ý và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách  liên quan đến người khuyết tật trong các lĩnh vực khác nhau và đạt được các kết quả đáng ghi nhận:

02 văn bản do ACDC hỗ trợ xây dựng được ban hành:

  • 01 Hướng dẫn PHCN tại Khu trung chuyển do Bộ trưởng Bộ Y tế Ban hành theo quyết định 2762/QĐ-BYT ngày 04 tháng 7 năm 2023. Văn bản này đã được Bộ y tế phổ biến và chia sẻ rộng rãi cho các cơ sở y tế thuộc 63 tỉnh thành thông qua các Hội thảo và tập huấn liên quan.
  • 01 Hướng dẫn bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát cho lĩnh vực đường bộ đã được Bộ GTVT thông qua và ban hành ngày 07/11/2023 theo Quyết định số 12622/BGTVT-VT.

06 báo cáo giám sát về các chủ đề chính sách mà Viện ACDC tham gia thực hiện (bao gồm 05 báo cáo cấp tỉnh và 01 báo cáo cấp trung ương về các chủ đề: tiếp cận công trình công cộng; Nghiên cứu đề xuất đánh giá tác động các chính sách đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Người khuyết tật.) 

01 Nghiên cứu về chính sách bảo vệ trẻ em khuyết tật.

44 Quy trình kỹ thuật về PHCN bằng dụng cụ chỉnh hình PHCN được hội đồng nghiệm thu thống nhất ban hành.

01 Bộ Dữ liệu về nhu cầu sử dụng dụng cụ trợ giúp của 741 người khuyết tật tại Đà Nẵng và 867 người khuyết tật tại Quảng Ngãi.

01 báo cáo về nhu cầu sử dụng dụng cụ trợ giúp của người khuyết tật và khuyến nghị đối với Luật Bảo hiểm y tế và Luật Người khuyết tật.

07 vấn đề chính sách do ACDC đề xuất được chấp nhận sửa đổi, bao gồm: 05 đề xuất được Vụ pháp chế, Bộ Y tế ghi nhận trong Luật Khám bệnh chữa bệnh và 02 đề xuất được ghi nhận trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật về quyền của người khuyết tật trong khám bệnh, chữa bệnh; quyền được tiếp cận thông tin và cơ sở vật chất tại các cơ sở y tế. 

Đặc biệt, từ năm 2019 đến cuối năm 2022, Viện ACDC đã liên tục tham gia, đồng hành cùng các đơn vị có liên quan đề xuất, góp ý nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 (tập trung mảng chính sách liên quan đến người khuyết tật). Theo đó, một số ý kiến đóng góp của Viện ACDC liên quan đến những vấn đề đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc tiếp thu, hoàn thiện nội dung trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 09/01/2023, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, nổi bật là những nội dung như sau: (i) Bổ sung người khuyết tật đặc biệt nặng là đối tượng được ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh (khoản 2 Điều 3); (ii) Bổ sung vào phần quy định chính sách chung của Nhà nước: Khẳng định người khuyết tật là một trong những đối tượng được ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (điểm b khoản 2 Điều 4); (iii) Thừa nhận và giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều kiện đảm bảo về việc sử dụng ngôn ngữ đối với người bệnh là người khuyết tật về ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh (khoản 4 Điều 21).

2. Nhân rộng mô hình Nhà trung chuyển dành cho người khuyết tật

Tiếp nối sự thành công của mô hình Nhà trung chuyển đã được xây dựng tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, ngày 25/9/2023, lễ khánh thành và bàn giao Nhà trung chuyển tại Đại học Y tế Công cộng Hà Nội (HUPH) đã được tổ chức. Đây là công trình đầu tiên tại Hà Nội và là công trình Nhà trung chuyển thứ bảy do ACDC triển khai thiết lập với tài trợ từ USAID. Công trình được trang bị các vật dụng nhỏ để người bệnh tự chăm sóc và thực hành các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như dụng cụ nhà bếp (bộ đồ ăn, đồ vệ sinh, vải), các thiết bị hỗ trợ cho việc di chuyển (xe lăn), các thiết bị định vị (ghế ngồi tắm), v.v..

Trên thực tế, Hà Nội là nơi tập trung các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh thuộc tuyến cuối, nhu cầu phục hồi chức năng của người dân rất lớn. Nhà trung chuyển tại HUPH được mong đợi ​​sẽ có tác động lớn hơn ở cấp quốc gia vì Đại học Y tế Công cộng Hà Nội là trường đại học hàng đầu về nghiên cứu và đào tạo về Y tế công cộng trong đó có chương trình đào tạo phục hồi chức năng. Trường còn có Phòng khám đa khoa cung cấp đa dạng các dịch vụ khám và điều trị sức khỏe với chiến lược phát triển dịch vụ phục hồi chức năng là dịch vụ cốt lõi của Phòng khám cho cộng đồng, đồng thời đây cũng là nơi giảng dạy cho giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên trên toàn quốc. 

3. Cuộc thi vẽ dành trẻ em khắp cả nước mang tên “Tiếng nói của chúng em”

Cuộc thi vẽ tranh “Tiếng nói của chúng em” phát động từ ngày 24/06 đến ngày 30/08/2023. Cuộc thi đã thu hút nhiều trẻ em tham gia với độ tuổi từ 06 - 17 tuổi có chung niềm đam mê vẽ tranh và ý tưởng sáng tạo phong phú. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án “Phòng chống Bạo lực thể chất, tinh thần và Phân biệt đối xử đối với Trẻ khuyết tật” (viết tắt là: dự án AVAC) do Viện ACDC thực hiện dưới sự tài trợ của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Hồng Kông và sự điều phối của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam.

Trong suốt hơn 3 tháng, Ban tổ chức đã không ngừng nỗ lực để lan tỏa cuộc thi đến với cộng đồng, từ truyền thông trên mạng xã hội đến những sự kiện trực tiếp. Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được 186 tác phẩm dự thi. Những bức tranh chứa đầy màu sắc cảm xúc phong phú với nhiều ý tưởng sáng tạo, đa dạng. Trong đó, 58% tác giả ở bảng Tre xanh (11-17 tuổi), 42% tác giả ở bảng Măng non (6-10 tuổi). Xét về chủ đề, 20% tác phẩm mô tả các hành vi bạo lực thể chất, tinh thần trẻ em. 4 % tác phẩm tập trung mô tả những biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em; 49% tác phẩm là những hình ảnh, câu chuyện tốt đẹp về gia đình, nhà trường, môi trường mạng an toàn, không bạo lực với trẻ em; 28% tác phẩm là những thông điệp kêu gọi cộng đồng bảo vệ trẻ em đặc biệt là trẻ khuyết tật, trẻ em gái, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ LGBT để trẻ được sống trong môi trường an toàn, bình đẳng. Đặc biệt, Ban tổ chức đã nhận được 65 khuyến nghị của tác giả dự thi được đưa ra qua thông điệp của các bức tranh.

Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 2 giải nhất, 4 giải nhì; 7 giải ba; 16 giải khuyến khích và 1 giải do khán giả bình chọn trực tuyến ở cả hai bảng Măng non và Tre xanh cho những tác phẩm xuất sắc nhất.

Cuộc thi đã để lại những ấn tượng khó quên, cảm xúc sâu lắng và niềm vui, hạnh phúc của các cha mẹ trẻ em, các thầy cô và đại diện các tổ chức thông qua những bức tranh vẻ đẹp giàu sức sống và giá trị nhân văn, thể hiện thông điệp tiếng nói của trẻ em trong việc nâng cao tiếng nói và bảo vệ Quyền trẻ em.

4. Chạy cùng người khuyết tật “Không khoảng cách - Không giới hạn” 2023

Sáng ngày 23/9/2023, Viện ACDC phối hợp với thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam tổ chức sự kiện chạy cùng người khuyết tật với chủ đề “Không khoảng cách - Không giới hạn” năm 2023 tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật và vấn đề khuyết tật; tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế của người khuyết tật, xóa bỏ rào cản, thúc đẩy sự hòa nhập bình đẳng của người khuyết tật trong xã hội và gây nguồn quỹ cho các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 600 người, trong đó có 322 người khuyết tật của ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam, cùng với sự đồng hành của các Sở, ngành, đoàn thể, địa phương tỉnh Quảng Nam như Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Y tế, Ngoại vụ, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, UBND thành phố Tam Kỳ… Đặc biệt, giải chạy còn thu hút được nhiều người là cán bộ, công chức ở các cơ quan, đơn vị, người dân địa phương cùng tham gia hưởng ứng. Kết thúc sự kiện, Ban tổ chức đã huy động được nguồn quỹ khoảng 50 triệu đồng và 20 chiếc xe lăn để hỗ trợ xây dựng các công trình tiếp cận tại tỉnh Quảng Nam, bao gồm xây dựng đường dốc và nhà vệ sinh tiếp cận cho người khuyết tật.

Những nụ cười rạng rỡ, những giọt mồ hôi nóng hổi, những cái nắm tay ấm áp... của tất cả những người tham gia đã trở thành nguồn cảm hứng khơi dậy phong trào thể thao, rèn luyện sức khỏe trong cộng đồng, đặc biệt là đối với người khuyết tật. Trên tất cả, những khoảnh khắc ấy đã lan tỏa thông điệp về năng lực và khả năng của người khuyết tật, cùng chung tay xây dựng xã hội hòa nhập và tiếp cận cho tất cả mọi người. Một thế giới "Không khoảng cách, không giới hạn”.

5. Hướng dẫn về Tiêu chí Giao thông tiếp cận phổ quát đối với người khuyết tật

Sau nhiều nỗ lực vận động chính sách, ngày 07/11/2023 Bộ Giao thông thông vận tải đã Quyết định số 12622/BGTVT-VT ban hành Hướng dẫn bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát lĩnh vực đường bộ. Hướng dẫn đưa vào áp dụng một mặt giúp các địa phương đánh giá thực trạng hệ thống giao thông tiếp cận cũng như thực thi hiệu quả Chương trình trợ giúp người khuyết tật thực hiện theo Quyết định số 365/QĐ-BGTVT ngày 11/03/2021 của Bộ Giao thông vận tải. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển giao thông tiếp cận của Việt Nam.

Tiếp nối kết quả nghiên cứu giai đoạn 2019 - 2020, Viện ACDC kết hợp cùng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) – Bộ Giao thông vận tải xây dựng Hướng dẫn bộ tiêu chí giao thông phổ quát lĩnh vực đường bộ. Các hoạt động chính được thực hiện trong năm 2022 - 2023 gồm: các chuyến thực tế khảo sát đánh giá thực trạng giao thông tiếp cận và tính phù hợp áp dụng bộ tiêu chí tại Việt Nam rà soát và chuẩn hóa nội dung bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát lĩnh vực đường bộ; tham vấn lấy ý kiến các đơn vị chuyên môn, quản lý và thực thi tại địa phương thông qua các họp nhóm kỹ thuật, hội thảo tham vấn…

Ngoài ra, nhờ khảo sát thực trạng giao thông tiếp cận tại các địa phương, phục vụ chuẩn hóa nội dung tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát và đánh giá tính phù hợp khi áp dụng đã giúp địa phương lựa chọn và thực hiện thành công các mô hình giao thông tiếp cận phổ quát: nhà chờ bus tiếp cận, xe buýt cận.

Trong năm 2023, 04 nhà chờ xe buýt đã được hỗ trợ lắp đặt các tính năng tiếp cận, bao gồm lắp đặt mới 01 nhà chờ tại Quảng Nam và hỗ trợ cải tạo, lắp đặt tại 03 nhà chờ tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Các hạng mục tiếp cận được lắp đặt bao gồm: đường dốc, tay vịn, ghế ưu tiên cho người khuyết tật, ghế ngồi chờ, sơn logo/dấu hiệu để xác định chỗ ngồi ưu tiên cho người sử dụng xe lăn...

ACDC cũng đã phối hợp với các đối tác địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế lắp đặt hệ thống rao trạm đảm bảo tiếp cận cho NKT, bao gồm hệ thống màn hình LED, thiết bị kết nối âm thanh Bluetooth và loa cho 10 xe buýt của Công ty Cổ phần Tuyến xe khách FUTA Phương Trang, và hỗ trợ lắp đặt đường dốc cho 02 xe buýt 2 tầng do Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam vận hành. 

Hoạt động này không chỉ giúp người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật nghe – nói và người khuyết tật vận động sử dụng xe lăn có thể tham gia các phương tiện giao thông công cộng thuận tiện hơn, mà còn nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước về việc thực thi chính sách liên quan đến giao thông tiếp cận cho người khuyết tật.

Đồng thời, các địa phương cũng ghi nhận sự cần thiết của việc xây dựng và ban hành Hướng dẫn bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát tại Việt Nam. Một số địa phương tham gia thực tế đã có ý kiến lồng ghép một số nội dung giao thông tiếp cận phổ quát vào các kế hoạch/chiến lược phát triển tại địa phương.

6. Ra mắt Ngôi nhà Bình Minh - địa chỉ an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực tại Quảng Nam

Sáng ngày 28/12/2023, Viện ACDC đã bàn giao Ngôi nhà Bình Minh, địa chỉ tin cậy thân thiện với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực tại Quảng Nam. Ngôi nhà được hoàn thành dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 1.

Ngôi nhà Bình Minh là mô hình cung cấp dịch vụ thiết yếu hỗ trợ người bị bạo lực giới, với 1 phòng tư vấn và 2 phòng tạm lánh. Đây là mô hình được thí điểm hỗ trợ cải thiện tiếp cận cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật là nạn nhân của bạo lực giới. Mô hình nhà tạm lánh được điều chỉnh hoàn toàn tiếp cận với người khuyết tật, từ lối đi lại, các vật dụng sử dụng trong nhà cho tới nhà vệ sinh.

Việc xây dựng mô hình Ngôi nhà Bình Minh được bắt đầu từ tháng 7/2023 với các hoạt động khảo sát đánh giá khả năng tiếp cận khả năng cung cấp dịch vụ cho phụ nữ khuyết tật, cho tới tập huấn đào tạo, nâng cao năng lực về bình đẳng giới, tăng cường kiến thức và kỹ năng phát hiện và xử lý, quản lý ca, giới thiệu mô hình cơ sở tạm lánh để hỗ trợ người khuyết tật có nguy cơ và là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh đó, để hiểu rõ mô hình, dự án cũng đã triển khai một chuyến thăm quan học hỏi kinh nghiệm mô hình thành công trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới tại Việt Nam.

Nhấn mạnh vai trò của nhà tạm lánh trong công tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực giới, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện ACDC cho biết: “Phụ nữ khuyết tật hay trẻ em gái khuyết tật luôn là những người yếu thế nhất trong những người yếu thế. Theo kết quả nghiên cứu của Viện ACDC những năm trước đây, có ít nhất 40% phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị ít nhất 1 tình huống bạo lực giới và họ rất lúng túng không biết tìm nơi nào để cầu cứu. Vì vậy ngôi nhà Bình Minh có thể là một nơi tạm lánh an toàn, thân thiện với họ. Bình Minh là mặt trời mọc, là bắt đầu một ngày mới. Chúng tôi tin rằng Bình Minh cũng đem lại hy vọng mới cho các nạn nhân trong đó có nạn nhân là phụ nữ khuyết tật. Tôi tin rằng ngôi nhà Bình Minh đầu tiên ra đời này cũng sẽ giúp cho sự hợp tác, vào cuộc của các bên liên quan được chặt chẽ hơn, nhịp nhàng hơn, giúp ích được nhiều hơn cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.”

Việc đưa vào sử dụng Ngôi nhà Bình Minh như là một minh chứng cho việc thực thi điều 6 của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật của Chính phủ Việt Nam trong việc cam kết thực hiện các hoạt động nhằm giảm thiểu bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, cũng như hiện thực hóa Nghị quyết 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 ban hành chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới 2021 - 2030.


0 bình luận

Bình luận thêm