Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tự làm dụng cụ trợ giúp - tưởng khó mà dễ

  • Thực hiện: Lê Đình Lập
  • 02/07/2024
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 434

Dụng cụ trợ giúp là công cụ hỗ trợ giúp chúng ta thực hiện tốt hơn các chức năng sinh hoạt hàng ngày của cơ thể. Ví dụ như: nạng giúp ta đi lại; xe lăn, khung tập đi giúp ta di chuyển…

Tôi vẫn thường nghĩ, công cụ hỗ trợ hay dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật là phải mua ở ngoài cửa hàng, phải là bác sĩ, hay cơ sở y tế mới làm được. Nhưng hôm nay tôi đã được mở rộng tầm mắt sau khi tham gia lớp tập huấn về Phục hồi chức năng do Viện ACDC tổ chức tại Quảng Nam. Hóa ra, dụng cụ trợ giúp có thể làm từ rất nhiều vật dụng sẵn có xung quanh chúng ta. Tôi cũng đã được học và tự làm được cho mình một dụng cụ trợ giúp cực kỳ hữu ích cho những người bị yếu tay có tên “dây đeo phổ dụng”.

Cách thức để tạo ra một loại dây đai đeo tay cực kỳ đơn giản, vật liệu cũng rất dễ kiếm với chi phí dưới 10 ngàn đồng. Để các bạn được rõ hơn tôi xin chia sẻ thêm về công dụng và cách thức chế tạo nhé:

Công dụng của dây đeo phổ dụng:

  • Hỗ trợ cầm thìa chỉnh sửa để ăn cơm
  • Hỗ trợ cầm bàn chải đánh răng
  • Hỗ trợ cầm bút viết, phấn
  • Hỗ trợ cầm các vật dụng nhỏ trong lòng bàn tay

Cách thức chế tạo:

Bước 1: Vật liệu cần chuẩn bị

  • 1 đoạn dây đai bằng vải chiều rộng 2,5-3cm
  • 1 khoen chữ nhật chiều rộng 2,5-3cm
  • 1 đoạn băng dính gai kích thước chiều rộng 2,5-3cm

Bước 2: Cắt đoạn các loại nguyên liệu

  • Cắt 1 đoạn dây đai có chiều dài bằng 1,5 lần lòng bàn tay (lưu ý: nên trừ 3cm bằng chiều dài khoen chữ nhật để khi đeo vừa tay hơn)
  • Cắt 1 đoạn dây đai có chiều dài bằng lòng bàn tay
  • Cắt một đoạn băng dính gai có chiều dài nhỏ hơn chiều rộng lòng bàn tay 1cm.
  • Chuẩn bị 1 đoạn chỉ khâu

Bước 3: Hoàn thiện sản phẩm

  • Khâu khoen chữ nhật vào một đầu của dây đai. Khoen sẽ có tác dụng làm điểm neo giúp dây đai bó chặt vào lòng bàn tay.
  • Khâu một mặt băng dính gai vào mặt ngoài của dây đai và đầu cuối của đoạn dây đai. Lưu ý: nên để mặt có móc cứng của băng dính gai ở phía dưới, mặt sợi sẽ ở phía trên để khi dính xuống, các móc cứng không gây tổn hại đến mu bàn tay khi dùng.
  • Khâu đoạn dây đai có chiều dài bằng lòng bàn tay vào đoạn dây đai đã hoàn thiện. Lưu ý khâu dọc chiều dài của dây, đảm bảo dây đai có 2 đầu hở để khi sử dụng có thể đút thìa hoặc các dụng cụ sinh hoạt cần thiết vào.

Dưới đây là một số hình ảnh công dụng của dây đeo phổ dụng, các bạn có thể tham khảo nhé, chúc các bạn thành công.

*Lưu ý: Thiết kế dây đeo phổ dụng được bác sĩ, thạc sĩ Nguyễn Khắc Tuấn – Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương chia sẻ và hướng dẫn cho học viên trong lớp tập huấn.


0 bình luận

Bình luận thêm