Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Kon Tum: Họp rà soát về thực hiện chính sách và khuyến nghị cải thiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật

  • Thực hiện: Minh Tâm
  • 03/07/2024
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 364

Chiều ngày 03/7/2024, trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (gọi tắt là dự án “Hoà nhập 2”) tại tỉnh Kon Tum, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đã phối hợp với Sở Lao động  Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum tổ chức cuộc họp “Họp rà soát về thực hiện chính sách và khuyến nghị cải thiện kế hoạch trợ giúp người khuyết tật” tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Mục tiêu của cuộc họp nhằm rà soát các chính sách hỗ trợ người khuyết tật dựa trên những thông tin và kết quả sẵn có tại tỉnh Kon Tum. Từ đó, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách này tại địa phương. Trên cơ sở đó, dự án cũng kỳ vọng sẽ nhận được những đề xuất giải pháp/gợi ý hoạt động hỗ trợ người khuyết tật cần ưu tiên trong thời gian tới.

Ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam phát biểu khai mạc họp

Sự kiện có sự tham gia của ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hạnh Trang - Phụ trách Phòng Trợ giúp xã hội và giảm nghèo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum; bà Nguyễn Thị Bình – Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kon Tum, bà Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện ACDC cùng hơn 20 đại biểu từ Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Kon Tum, Phòng LĐ-TB&XH thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà và Sa Thây, đại biểu từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kon Tum và đại diện nhóm Giảng viên nguồn về Sống độc lập là người khuyết tật tại thành phố Kon Tum.

Tại cuộc họp, các đại biểu được nghe các bài tham luận về “Tình hình triển khai chính sách người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Kon Tum” thực hiện bởi dự án năm 2022 và “Tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ người khuyết tật tại ba huyện/thành phố Kon Tum, Đăk Hà và Sa Thầy”. Qua chia sẻ từ các bài tham luận, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc thực hiện chính sách hỗ trợ người khuyết tật vẫn còn gặp nhiều khó khăn, có thể kể đến như (i) vấn đề cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều công việc; (ii) chưa có các hướng dẫn từ cấp Trung ương về các xác định các đối tượng là thế hệ thứ ba của người nhiễm chất độc da cam để triển khai chính sách hỗ trợ tại địa phương; (iii) cách hiểu chưa thống nhất về xác định khuyết tật theo Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH, (iv) thiếu nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất cũng như dịch vụ phù hợp để hỗ trợ nhóm người khuyết tật thần kinh – tâm thần…

Đại biểu chia sẻ đề xuất về các hoạt động tăng cường công tác hỗ trợ người khuyết tật 

Thông qua các bài tham luận, cuộc họp nhận được nhiều quan tâm và đóng góp tích cực của các đại biểu, cũng như những đề xuất hữu ích và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Các đề xuất hoạt động ưu tiên được các đại biểu rất quan tâm và nhấn mạnh gồm: tăng cường công tác tập huấn cho các bộ phụ trách công tác hỗ trợ người khuyết tật từ tuyến xã/tuyến cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức với những phương pháp, tài liệu phù hợp cho người khuyết tật nói riêng và người dân nói chung; tăng cường các hỗ trợ về phát triển sinh kế cho người khuyết tật cũng như tập huấn nâng cao năng lực cho người khuyết tật để có thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng chính sách; phối hợp với cấp Trung ương để hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn để thực hiện các chính sách liên quan.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Đặng Văn Thanh nhấn mạnh: “Kon Tum là tỉnh còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế và đa dạng văn hóa. Vì vậy, Viện ACDC cần ghi nhận những ý kiến đóng góp và đề xuất của các đơn vị phối hợp triển khai dự án và các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật để xây dựng kế hoạch hoạt động trong khuôn khổ dự án phù hợp với mục tiêu chung và điều kiện, bối cảnh của tỉnh Kon Tum. Dự án nên thí điểm triển khai các hoạt động như thúc đẩy thực hiện mô hình về hỗ trợ sinh kế, đơn giản như cung cấp các trang thiết bị phù hợp để người khuyết tật có thể phát triển sinh kế nhỏ. Từ đó sẽ có những kinh nghiệm thiết thực và mở rộng địa bàn hỗ trợ với sự chỉ đạo tích cực của địa phương.”

Sau cuộc họp, dự án sẽ hoàn thiện một “Báo cáo rà soát và tổng hợp khuyến nghị về thực hiện chính sách cho người khuyết tật tại tỉnh Kon Tum”. Trên cơ sở kết quả dáo cáo, dự án và Sở LĐ-TB&XH sẽ thống nhất kế hoạch triển khai các hoạt động ưu tiên nhằm thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ người khuyết tật trong giai đoạn 2025 - 2026.

 

 


0 bình luận

Bình luận thêm