Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Giám sát việc triển khai giáo dục hòa nhập tại một số trường mầm non tại huyện Quảng Hòa, Cao Bằng

  • Thực hiện: Huyền Trang
  • 13/04/2021
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1862

Trong 2 ngày 08 - 09/04/2021, ACDC phối hợp với ChildFund Việt Nam tổ chức chuyến giám sát hỗ trợ việc triển khai giáo dục hòa nhập tại một số trường mầm non huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Tham gia Đoàn giám sát có Đại diện của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng; đại diện Phòng Giáo dục trẻ khuyết tật - Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cao Bằng; đại diện Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia; đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Hòa, ACDC, ChildFund Việt Nam và một số giáo viên cốt cán của các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn các xã dự án.

Đoàn giám sát đã đến làm việc tại trường mầm non Ngọc Động, Đoài Khôn và Hạnh Phúc về các nội dung: Hướng dẫn quy trình giám sát về giáo dục hòa nhập; Xem xét các kế hoạch giáo dục cá nhân cho từng học sinh khuyết tật; Tiến hành các chuyến dự giờ, quan sát và theo dõi việc thực hiện giáo dục hòa nhập tại các trường; Hướng dẫn, đánh giá và trao đổi chuyên môn với giáo viên về phương pháp, kĩ năng, quá trình dạy học giáo dục hòa nhập tại trường.

Đây là hoạt động quan trọng trong năm thứ hai của dự án “Quyền học tập của em” được triển khai tại 2 huyện Quảng Hòa (trước đây là huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) và huyện Na Rì (Bắc Kạn) trong giai đoạn từ tháng 10/2019 đến tháng 06/2022. Mục tiêu chung của dự án là trẻ khuyết tật được sống trong môi trường hòa nhập và được tiếp cận giáo dục có chất lượng. Trong chuỗi hoạt động dự án, các lớp tập huấn nâng cao năng lực nhằm hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập giáo dục dành cho các tổ chức người khuyết tật, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tại 02 huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng) và huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) đã được thực hiện. Hoạt động này nhằm cung cấp các kiến thức, kĩ năng về kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ khuyết tật, các phương pháp và mô hình dạy & hỗ trợ trẻ khuyết tật học hòa nhập.

Trước đây, nhiều thầy cô giáo trong quá trình giảng dạy học sinh khuyết tật đã có băn khoăn như phương pháp giảng dạy nào là phù hợp với trẻ hay còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ. Cô X- Hiệu trưởng trường mầm non Ngọc Động chia sẻ: “Sau khi tham dự tập huấn của dự án về, các chị đã tổ chức tập huấn lại ngay cho các giáo viên khác trong trường và xây dựng hết các kế hoạch theo yêu cầu của dự án. Nhưng không biết kế hoạch giáo dục cá nhân bọn chị làm đã đúng hay chưa?”.

Sau ba buổi làm việc nhiệt tình và cởi mở với cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của các trường, các giáo viên đều cảm thấy tự tin hơn, hiểu hơn và sẵn sàng điều chỉnh lại các kế hoạch giáo dục cá nhân, kế hoạch giáo dục hòa nhập của trường theo ý kiến góp ý của Đoàn giám sát. Đồng thời, các giáo viên mong muốn hoạt động Giám sát hỗ trợ sẽ được tiếp tục duy trì lâu dài. Thông qua buổi làm việc, các giáo viên đã có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế trong quá trình triển khai giáo dục hòa nhập.

Một giáo viên tại trường mầm non Hạnh Phúc chia sẻ: “Tôi thấy em A đã có tiến bộ rất nhiều so với hồi đầu năm học. Hồi đầu năm các cô hỏi không nói, không biết tập thể dục theo các bạn, cứ đứng im 1 mình. Bây giờ đã có thể bắt chước theo cô phát âm, biết đứng tập thể dục cùng các bạn. Chứng tỏ cô giáo đã có cố gắng dạy em ấy từng ngày từng ngày.

Nhằm thúc đẩy việc áp dụng kiến thức và kĩ năng cho cán bộ quản lý giáo dục/giáo viên trong việc hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập giáo dục tại các trường học, các hoạt động giám sát và hỗ trợ kỹ thuật của được dự kiến thực hiện định kỳ theo quý. Việc giám sát và hỗ trợ kỹ thuật sẽ được thực hiện bởi chuyên gia từ các đơn vị chuyên môn ở cấp trung ương và địa phương.


0 bình luận

Bình luận thêm