Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

ACDC - Những dấu ấn 2022

  • Thực hiện: admin
  • 09/01/2023
  • 0 Bình luận
  • Lượt xem: 1110

1. Tư vấn pháp luật và vận động chính sách

Về tư vấn pháp luật: Trong năm 2022, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đã tư vấn cho khoảng 1100 lượt người khuyết tật/gia đình người khuyết tật dưới những hình thức khác nhau. Các trường hợp đã tư vấn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất là trợ giúp xã hội, sau đó là các lĩnh vực như vay vốn, đất đai, giáo dục, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế....

Về vận động chính sách: Trong năm 2022, ACDC đã nghiên cứu, tham gia góp ý và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cũng như lồng ghép các chính sách về người khuyết tật đối với 06 văn bản pháp luật, dự thảo văn bản pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau như: người khuyết tật; khám bệnh, chữa bệnh; phòng, chống bạo lực gia đình; sở hữu trí tuệ; bình đẳng giới...

Người hưởng lợi được hỗ trợ và tư vấn để giải đáp những vấn đề về một số lĩnh vực khác có liên quan

Đặc biệt, một số ý kiến đóng góp của ACDC liên quan đến những vấn đề đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc tiếp thu, hoàn thiện nội dung trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 (vừa được Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023) như: vấn đề sử dụng thống nhất thuật ngữ “người khuyết tật” trong các điều khoản có liên quan tại Luật này; bổ sung một số hành vi bạo lực gia đình như cưỡng ép phá thai, mang thai, lựa chọn giới tính thai nhi (Điều 3); quy định về trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức khác nhằm tăng cường trách nhiệm và khuyến khích, huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức này vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 54); bổ sung quy định về tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả (Điều 19); bổ sung người khuyết tật vào nhóm những đối tượng cần được chú trọng các bảo đảm điều kiện đảm bảo đặc thù trong thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình…

2. Hưởng ứng Ngày người khuyết tật Việt Nam 2022

ACDC đã phối hợp cùng Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và các bên liên quan tổ chức Lễ kỷ niệm ngày người khuyết tật Việt Nam 18 tháng 4 với chủ đề “Hòa nhập và thích ứng, định hình tương lai”. Lễ kỷ niệm được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của gần 200 đại biểu Đại diện các Bộ ngành như Bộ Y tế; Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Quốc Phòng; Đại diện các cơ quan Sở ngành các địa phương; các tổ chức Hội của và vì người khuyết tật, các cơ quan thông tấn báo chí....

Lễ trao giải cho các nhóm sáng kiến trong cuộc thi sáng kiến “Hòa nhập và thích ứng với Covid-19”

Ngoài ra, hưởng ứng Ngày người khuyết tật Việt Nam, Lễ trao giải Cuộc thi sáng kiến “Hòa nhập và thích ứng với Covid-19” đã được tổ chức tại sự kiện. Sau hơn 4 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 15 hồ sơ sáng kiến gửi đến từ các tổ chức trên mọi miền đất nước. 4 Giải khuyến khích, 2 Giải ba, 1 Giải nhì, 1 Giải nhất và 1 Giải cộng đồng bình chọn đã được trao cho những sáng kiến xứng đáng. Đặc biệt, sáng kiến đạt giải Nhất đã được tài trợ để triển khai thực tế.

3. Khánh thành mô hình nhà văn hóa tránh bão lũ đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật

Trong khuôn khổ dự án “Hòa nhập khuyết tật trong ứng phó khẩn cấp với thiên tai tại tỉnh Quảng Ngãi” do Tổ chức CBM tài trợ, ngày 26/04/2022, ACDC phối hợp với UBND xã Hành Đức và Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ Khánh thành Mô hình Nhà văn hóa tránh bão lũ đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật đã diễn ra. Mô hình được xây dựng tại thôn Kỳ Thọ Bắc, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Người hưởng lợi vui mừng và tham gia trải nghiệm tiếp cận Mô hình Nhà văn hóa tránh bão lũ tại Quảng Ngãi

Mô hình Nhà văn hóa kết hợp tránh bão lũ trong khuôn khổ của dự án đã trở thành một mô hình mẫu tại Quảng Ngãi nói chung và huyện Nghĩa Hành nói riêng về tiếp cận và đảm bảo hòa nhập khuyết tật. Nguyên tắc cốt lõi được áp dụng trong quá trình xây dựng mô hình hòa nhập khuyết tật hiệu quả là tiếp cận theo hai hướng song hành: (i) vừa lồng ghép vấn đề về khuyết tật vào hoạt động chung của cộng đồng, (ii) vừa tăng cường năng lực và sự tham gia tối đa của Hội người khuyết tật trong hoạt động của liên quan. Công trình được xây dựng đảm bảo tiếp cận tối đa cho tất cả mọi người (bao gồm người già, người khuyết tật, trẻ em...) với các thiết kế đảm bảo tiếp cận như: đường dốc, vạch chỉ đường, gạch chống trơn trượt, tay vịn, đèn báo động, nhà vệ sinh với kích thước rộng…

Mô hình đã góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai cho người dân, đồng thời đảm bảo tiếp cận và hòa nhập cho người khuyết tật bằng cách lồng ghép các vấn đề về khuyết tật vào hoạt động chung của cộng đồng.

4. Dịch vụ Phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu trong bệnh viện

Từ tháng 06 đến tháng 10/2022, ACDC đã triển khai dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho người khuyết tật nghe, nói khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu (NNKH) trong bệnh viện được ra đời để hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người khuyết tật nghe nói khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế và thúc đẩy việc đảm bảo chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người khuyết tật tại các cơ sở y tế. Hai hình thức phiên dịch được sử dụng là trực tiếp và video call qua các nền tảng trực tuyến. Người khuyết tật nghe, nói đi khám chữa bệnh cần phiên dịch NNKH hoặc các cơ sở y tế cần phiên dịch NNKH cho người bệnh đều có thể liên lạc để đặt lịch với phiên dịch ở khu vực miền Bắc và miền Nam.

Một buổi chia sẻ thông tin tại Tọa đàm về Tăng cường tiếp cận thông tin cho người khuyết tật nghe, nói trong các cơ sở y tế

Tính đến hết tháng 12/2022, đã có khoảng 50 lượt người sử dụng dịch vụ này trên cả nước. Dịch vụ nằm trong chương trình Hỗ trợ phiên dịch y khoa miễn phí cho người khuyết tật nghe nói của dự án “Tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin cho người khuyết tật và các tổ chức Hội người khuyết tật” do Tổ chức CBM tài trợ.

5. Tiếp tục nhân rộng mô hình nhà trung chuyển dành cho người khuyết tật

Trong năm 2022, ACDC tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình Nhà trung chuyển nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng cơ hội hòa nhập cho người khuyết tật. Nhà trung chuyển thứ 5 trên cả nước đã được khánh thành tại khuôn viên Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là nhà trung chuyển thứ 2 được khánh thành tại Quảng Nam, sau Nhà trung chuyển tại Trung tâm y tế huyện Thăng Bình.

Lễ khánh thành Nhà trung chuyển lần thứ hai tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam

Mô hình Nhà trung chuyển đã được xây dựng và áp dụng tại nhiều nước phát triển trên thế giới. Đây là mô hình giúp cho người bệnh, người khuyết tật có cơ hội thực hành các chức năng sinh hoạt hàng ngày trước khi trở về gia đình và cộng đồng, để tái hòa nhập một cách độc lập. Các hoạt động thực hiện trong Nhà trung chuyển tập trung vào thực hành thành thục các chức năng sinh hoạt cơ bản mà trước đó đã được tập luyện phục hồi chức năng như: di chuyển, tự mặc quần áo, ăn uống, nấu ăn, vệ sinh cá nhân và các hoạt động tham gia cộng đồng khác. Nhà trung chuyển được xây dựng theo 5 khu vực gồm: khu vực di chuyển chung, bếp và ăn uống, vệ sinh, phòng ngủ và khu vực dành cho các hoạt động sinh hoạt chung như khu vực phòng khách, khu vực giải trí và luyện tập. Công trình cũng được trang bị các vật dụng nhỏ để người bệnh tự chăm sóc và thực hành các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như dụng cụ nhà bếp (bộ đồ ăn, đồ vệ sinh, vải), các thiết bị hỗ trợ cho việc di chuyển (xe lăn), các thiết bị định vị (ghế ngồi tắm)...

6. Tiếp tục triển khai dự án dành cho trẻ em khuyết tật

Trong năm 2022, ACDC đã triển khai một dự án dành riêng cho trẻ em khuyết tật. Dự án mang tên Phòng chống trừng phạt thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử đối với trẻ khuyết tật (viết tắt là AVAC). Mục tiêu của dự án nhằm Góp phần hỗ trợ Chính phủ và các bên liên quan ở tất cả các cấp ở Việt Nam thực hiện hiệu quả quyền trẻ em như đã cam kết.

Tiết mục "Cả nhà thương nhau" được thể hiện bằng Ngôn ngữ ký hiệu tại Hà Nội

Dự án cung cấp các biện pháp can thiệp cần thiết để tăng quyền cho trẻ em, bao gồm trẻ em khuyết tật, thuộc tất cả bản dạng giới, với sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội có năng lực và các bên liên quan, để các trẻ em tham gia có ý nghĩa vào các quá trình ra quyết định và được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực. Dự án đặc biệt giúp cải thiện cuộc sống của trẻ em bằng cách đảm bảo việc thực hiện các quyền của trẻ em trong tất cả các môi trường bao gồm gia đình, trường học, cộng đồng và các nền tảng trực tuyến. Sự tham gia của tất cả những bên có trách nhiệm trong việc thực hiện dự án là một trong những trọng tâm của chúng tôi nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình và sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong việc thực hiện các quyền của trẻ em. Dự án sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 30.250 trẻ em từ 0-18 tuổi, trong đó có 250 trẻ em khuyết tật, trong thời gian từ 2022-2024.

Năm đầu tiên, dự án đã tiếp cận trực tiếp được đến hơn 162 trẻ khuyết tật, hơn 372 cha mẹ, người chăm sóc trẻ khuyết tật bằng nhiều hoạt động khác nhau. Các hoạt động nổi bật như tập huấn nâng cao kiến thức, chuỗi sự kiện truyền thông dành cho trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc về quyền của trẻ em, các ấn phẩm truyền thông hấp dẫn (gồm phim hoạt hình, sổ nhật ký yêu thương, ô gấp, bộ tài liệu…


0 bình luận

Bình luận thêm